Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự chuẩn bị tốt cho CPTPP

15:44' - 13/11/2018
BNEWS Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết khối doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để chuẩn bị cho CPTPP.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi (Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định). Ảnh: Hiền Hạnh-TTXVN
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/11/2018. Một ngày sau sự kiện này, sáng 13/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi Tọa đàm về cam kết lao động trong Hiệp định CPTPP với các cơ quan báo chí, truyền thông. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu nhiều nội dung làm rõ những thách thức cũng như cơ hội đến từ CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác. 

* Nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về CPTPP 

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã cho biết những cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP. 

Theo đó, Chương Lao động của CPTPP nêu rõ cam kết chung của các thành viên trong Hiệp định và cam kết riêng của Việt Nam. Đối với cam kết riêng của Việt Nam về lao động trong CPTPP, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như cam kết chung kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam có vi phạm liên quan tới các cam kết chung trong Chương Lao động, có vi phạm liên quan đến quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể, thì các thành viên CPTPP sẽ áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 3-5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực. 

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP. Trong số những điều khoản cần sửa đổi có điều khoản về công đoàn. Đây là một vấn đề khó và mới đối với Việt Nam, cần có một quá trình nghiên cứu, xây dựng lộ trình nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về vấn đề này. Để cụ thể hóa những cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động, Việt Nam cần có một quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động theo đúng trình tự, thủ tục. 

Do đó, Việt Nam cần khoảng thời gian từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động hiện nay là rất phù hợp với lộ trình Việt Nam tham gia CPTPP. 

*Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự chuẩn bị tốt cho CPTPP 

Tiến sỹ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Việc đưa nội dung lao động vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) không phải là mới mà đã xuất hiện từ năm 1995. Gần đây, những vấn đề về lao động đã được thảo luận rộng rãi, không chỉ trong khuôn khổ của Tổ chức Lao động quốc tế mà còn ở các diễn đàn lớn của Liên hợp quốc. Từ năm 2011 đến nay đã có hàng chục nghiên cứu cơ bản đánh giá về tác động của việc tham gia các FTA trong đó có CPTPP đối với Việt Nam. Dựa trên giả thiết Việt Nam tham gia tích cực, có sự chuẩn bị sẵn sàng, nhìn chung, kết quả các nghiên cứu này đều khả quan. 

Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng tiến hành một nghiên cứu trong thời gian gần đây trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu tác động về mặt kinh tế thương mại đối với Việt Nam khi tham gia các FTA. Theo đó, về khía cạnh lao động việc làm và các vấn đề xã hội, khi tham gia CPTPP, số việc làm được tạo ra từ năm 2020 trở đi cho lao động Việt Nam ở mức từ 17-27 nghìn việc làm hàng năm. Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ ở mức khoảng 18-19 nghìn việc làm. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu, số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động kỹ năng sẽ tăng lên, thể hiện ở số việc làm với lao động có trình độ nhiều hơn. 

Việc tham gia các FTA cũng tác động đến vấn đề tiền lương tích cực hơn. Những ngành, nghề được hưởng lợi nhiều gồm: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử. Đối với cải thiện phúc lợi, các FTA cũng góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nói chung cho người lao động. Các FTA cũng giúp tăng trưởng luồng đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng, cải thiện cơ cấu lao động... 

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đào Quang Vinh, sự phân hóa về tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa lao động có kỹ năng, trình độ cao với lao động trình độ thấp. Điều này cũng đặt ra thách thức trong các chính sách về lao động việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội... 

Tiến sỹ Đào Quang Vinh nhận định, thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia CPTPP là làm thế nào tận dụng được các cơ hội do hiệp định này mang lại. “Hiệp định này đặt ra những điều kiện, quy định Việt Nam cần tuân thủ. Đối với lĩnh vực lao động việc làm, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là những tuân thủ về lao động, sự chuẩn bị của Việt Nam về nguồn nhân lực. Ví dụ, đối với rào cản về thuế, khi mức thuế giảm đi, liệu Việt Nam có tăng cường năng lực sản xuất để có thể tận dụng được cơ hội ở thị trường hay không?. Điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta chuẩn bị các nguồn lực về đầu tư, về con người để đảm bảo hàng hóa Việt Nam được các thị trường trong các hiệp định chấp nhận”, Tiến sỹ Đào Quang Vinh nói. 

Tiến sỹ Đào Quang Vinh nêu thực trạng, các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, có sự nghiên cứu chuẩn bị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp, khi được nghiên cứu, khảo sát vào cuối năm 2017, thời điểm CPTPP gần như đã đàm phán xong, chỉ nắm chung chung về hiệp định này, chưa rõ về các điều khoản, nội dung cụ thể; từ đó cho thấy, sự sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia CPTPP chưa cao. 

“Khi hỏi sâu, các doanh nghiệp sản xuất cho thị trường nội địa cho rằng việc tham gia CPTPP không liên quan đến họ. Kể cả những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng thấy những cam kết này chưa đến ngay tức thời mà cần có thời gian nên chưa đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Chúng tôi cho rằng, đây là một suy nghĩ có tính chất thụ động, chờ đợi từ các cơ quan quản lý nhà nước, từ phía trên của các doanh nghiệp. Điều này cần phải thay đổi sớm trong việc gia nhập thị trường nói chung và việc tham gia Hiệp định CPTPP”, Tiến sỹ Đào Quang Vinh chia sẻ. 

Cũng theo Tiến sỹ Đào Quang Vinh, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp vừa phải chịu tác động từ các FTA, vừa chịu tác động từ những yếu tố như: cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, thay đổi công nghệ... Do đó, việc thay đổi việc làm, cơ cấu việc làm sẽ có những chuyển biến nhanh hơn so với dự báo ở các kịch bản trước đây. Thời gian tới, các cơ quan chính sách của Việt Nam cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu để có những dự báo cụ thể hơn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục