Khơi thông rào cản cho doanh nghiệp: Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

19:35' - 16/10/2016
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh bằng các biện pháp và hành động cụ thể, phấn đấu đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp trong năm 2020.
Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN

Đề cập về mục tiêu 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ, mục tiêu này là một tâm điểm, một nhiệm vụ lớn đối với thành phố bởi trọng tâm không chỉ là số lượng doanh nghiệp hoạt động mà quan trọng hơn là tạo nên một cơ chế, chính sách, một nền tảng để thành phố có nhiều doanh nghiệp lớn, vươn tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, định hướng xây dựng một “Thành phố khởi nghiệp” cũng đòi hỏi cần có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân. 

Tp.Hồ Chí Minh nỗ lực hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện – điện tử, hoá dược – cao su, nhựa, chế biến tinh lương thực – thực phẩm; hỗ trợ gián tiếp và trực tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo kết nối, vườn ươm...

Thành phố tiến hành quy hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với quy mô 40.000m2 trên toàn thành phố. Trong đó, hợp tác theo hình thức đối tác công tư với các đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và vận hành 2 vườn ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc lĩnh vực ươm tạo của 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Xây dựng hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp gồm không gian giới hạn dịch vụ văn phòng, thực nghiệm, logistics, thư viện, hội trường...

Về môi trường kinh doanh, Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường.

Sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, xây dựng và hướng dẫn cụ thể thủ tục liên quan đến việc cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đăng ký đầu tư giảm đến 30% so với quy định của Luật Đầu tư, gồm: giảm từ 15 thành 10 ngày làm việc đối với cấp mới hồ sơ đăng ký đầu tư, giảm từ 10 thành 7 ngày làm việc đối với thông báo về việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp.

Đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất từ 57 ngày xuống 14 ngày. Dành quỹ đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch có giá giá trị gia tăng; tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật ổn định như điện, nước, viễn thông, vận tải...

Về tiếp cận nguồn vốn, thành phố bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ. Bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp.

Đề cập đến việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, đây là nhiệm vụ chung của tất cả các sở ngành, địa phương.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 286.382 doanh nghiệp, như vậy còn cần khoảng 214.000 doanh nghiệp để đạt con số doanh nghiệp đặt ra đến năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, có hai tuyến phải làm, đầu tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tuyến tiếp theo là chuyển đổi 25.000 hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp.

Theo ông Sử Ngọc Anh, bài toàn này rất khó, vì hầu hết các hộ kinh doanh này nằm trong các chợ truyền thống. Họ chỉ có một cái sạp thôi, lên được một doanh nghiệp như thế nào là vấn đề cần phải tính toán cụ thể. Sắp tới, Sở sẽ làm việc với Cục thuế, các quận huyện để tháo gỡ về đơn giản thủ tục giản, công tác quản lý... để hỗ trợ doanh nghiệp hình thành và phát triển.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố luôn mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy và đồng hành cùng thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thành phố cam kết hành động và kiến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, bền vững và cạnh tranh lành mạnh nhằm phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục