Khu kinh tế, khu công nghiệp giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động

20:06' - 30/09/2023
BNEWS Chiều 30/9, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng kỷ niệm 30 năm thành lập (1993-2023). Dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Tại lễ kỷ niệm, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng.

 

Năm 1994, Khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng là Khu công nghiệp đầu tiên của thành phố và là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của cả nước thành lập. Tiếp theo đó là thành lập các khu công nghiệp như: Đình Vũ, Đồ Sơn, Tràng Duệ, An Dương, Nam Cầu Kiền, VSIP. Nổi bật trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tại thành phố là năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Đây là một trong những động lực phát triển của thành phố Hải Phòng.

Đến nay Hải Phòng đã thành lập 14 khu công nghiệp và Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Hải Phòng đã là địa điểm được lựa chọn đầu tư hàng đầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia: Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 8,7 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD chiếm 15%; Hong Kong  (Trung Quốc) 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD chiếm 12%. Nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới  mnhư Tập đoàn Vingroup (Việt Nam), các tập đoàn của Hàn Quốc như SK, LG và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác như GE, Sumitomo, AEON, Idemitsu, Tongwei…

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trở thành đầu tàu của nền kinh tế, đóng góp phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu, ngân sách thành phố, giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động.

Ông Lê Tiến Châu đề nghị, thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Khu kinh tế Nam Hải Phòng, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và triển khai xây dựng thêm các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phải là "xương sống" trong mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố với 3 trụ cột chủ yếu là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại và trở thành động lực mới, nguồn lực mới phát triển thành phố nói riêng và của Khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Cùng với đó, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng nghề cao, từng bước xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của địa phương. Ban cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong đào tạo, phát triển nhân lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động tay nghề cao phù hợp với cách mạng 4.0; tập trung xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động an cư, lạc nghiệp.

Ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng cho các nhà đầu tư khi đến với thành phố Hải Phòng. Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm an toàn, thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với các sở, ngành để xây dựng và triển khai quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, phát huy tối đa việc phân cấp, ủy quyền hướng đến mục tiêu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế chỉ cần thông qua một đầu mối duy nhất.

Tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những đóng góp của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, chỉ ra những thách thức chung trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, đồng thời đề nghị thành phố Hải Phòng, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tập trung vào một số nội dung trọng tâm trong thu hút đầu tư thời gian tới.

Cụ thể, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, khu kinh tế mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Đề án phát triển Khu kinh tế Nam Hải Phòng, với hạt nhân là khu thương mại tự do để khai thác thế mạnh của kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng phối hợp để nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai; dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Hải Phòng cần thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Hải Phòng cần có cơ chế riêng trong xúc tiến các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc phát triển, sản xuất, công nghiệp, dịch vụ cần dựa trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường và một số nội dung khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục