"Khuất tất" dự án BOT đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TpHCM – Trung Lương
Gần 5 năm trôi qua kể từ ngày khởi công, dự án vẫn trong tình trạng dang dở và đó là câu chuyện diễn ra tại dự án đầu tư theo hợp đồng BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao) đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương do Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) làm nhà đầu tư.
Từ chỉ định nhà đầu tư
Trong cuộc họp với các sở, ngành thành phố và Công ty Yên Khánh diễn ra vào tháng 3/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh (hiện là bị cáo trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) đã thống nhất đề xuất của Công ty Yên Khánh làm dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương theo hình thức BOT.
Ông Nguyễn Hữu Tín cũng giao Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND thành phố văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT, dù trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đăng ký dự án này vào danh sách các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản (ODA) giai đoạn 2014 – 2016.
Trên cơ sở đề xuất của UBND Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản số 591/TTg-KTN đồng ý nguyên tắc cho UBND Tp. Hồ Chí Minh thực hiện dự án theo hợp đồng BOT, nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. UBND Tp. Hồ Chí Minh căn cứ vào tính cấp bách của dự án, quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo thẩm quyền và chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, ngày 22/10/2015, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh (hiện là Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị thành phố) ký Báo cáo số 4860/BCTĐ-SGTVT thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, giai đoạn 1 theo hình thức BOT.
Báo cáo này thể hiện, thời gian mở thầu bắt đầu từ 9 giờ 10 phút ngày 19/10/2015, tuy nhiên Công ty Yên Khánh đề nghị nộp hồ sơ đề xuất sớm hơn và đã được Sở Giao thông Vận tải chấp thuận.
Theo đó, Công ty Yên Khánh nộp hồ sơ vào lúc 9 giờ ngày 19/10/2015, sớm hơn thời gian quy định 10 phút.
Ngay sau đó, Sở Giao thông Vận tải lập tức đóng thầu mà không chờ đến thời gian đóng thầu theo quy định vào lúc 14 giờ ngày 16/11/2015.
Điều này khiến dư luận băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao Sở Giao thông Vận tải thành phố lại “nhanh chóng” chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp cho đóng thầu sớm hơn quy định, tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh nộp được hồ sơ đề xuất mà không phải cạnh tranh với các hồ sơ khác?
Chưa kể, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 thuộc Sở Giao thông Vận tải được phân công làm bên mời thầu và tham gia đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty Yên Khánh, liệu chăng có thực sự khách quan, đáng tin cậy và có vi phạm quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013?
Trên cơ sở kết quả thẩm định nói trên về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án của Sở Giao thông Vận tải, một ngày sau đó, vào ngày 23/10/2015, UBND Tp. Hồ Chí Minh có Quyết định số 5386/QĐ-UBND duyệt kết quả chỉ định Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến thời điểm này, việc chỉ định, lựa chọn nhà đầu tư dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, giai đoạn 1 theo hình thức BOT hoàn tất.
Công ty Yên Khánh nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư, về sau thành lập doanh nghiệp làm dự án là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư BOT Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương.
Đến nguy cơ "phá sản" dự án
Ngày 25/6/2016, UBND Tp. Hồ Chí Minh, đại diện bởi ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Yên Khánh đại diện bởi bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty ký hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương (giai đoạn 1).
Địa điểm xây dựng tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Chiều dài đoạn tuyến là 2,7 km bao gồm: xây dựng 2 đường khu vực (rộng từ 11 – 14,5m) sát lộ giới quy hoạch; xây dựng 2 nút giao thông khác mức hai đầu tuyến và 2 cầu đường bộ trên tuyến. Diện tích sử dụng đất là 32 ha. Thời gian xây dựng công trình dự kiến 20 tháng kể từ ngày khởi công.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) là hơn 1.557 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay.
Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án tiêng, sử dụng ngân sách Tp. Hồ Chí Minh do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh thực hiện.
Về phương án thu hồi vốn, chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng.
Tuy nhiên, kể từ lúc ký hợp đồng, làm nghi thức khởi công, đến nay dự án chỉ thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ “phá sản”.
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, nhà đầu tư đã ngừng thi công dự án từ tháng 6/2018, thực tế thi công dự án chậm so với thỏa thuận trong hợp đồng BOT.
Sở Giao thông Vận tải đã nhiều lần đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công do thực hiện còn sơ sài, chưa đảm bảo yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ dự toán dự án, kế hoạch huy động vốn.
Song, tiếc thay phía nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư BOT Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu và đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đối với phần việc liên quan đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán từng hạng mục công trình.
Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cũng không cung cấp được hồ sơ tài liệu đúng yêu cầu đảm bảo thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án.
Trên thực tế, nhà đầu tư đã bàn giao 82% mặt bằng, nhưng đến tháng 4/2020 tổng sản lượng xây lắp chỉ đạt 140 tỷ đồng/1.143 tỷ đồng, tương đương 12%. Kiểm tra công trường cho thấy chủ đầu tư đã ngừng thi công hoàn toàn, không có thiết bị xe-máy, nhân công.
“Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã vi phạm hợp đồng BOT khiến dự án chưa hoàn thành, tỷ lệ giải ngân thấp, trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. Sở Giao thông Vận tải yêu cầu khắc phục trong 90 ngày để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT đã ký”, đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho hay.
Thực trạng triển khai dự án dang dở đang đặt ra câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư. Tại dự án cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương, hàng loạt cán bộ, nhân viên Công ty Yên Khánh đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi vi phạm trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc.
Ngoài ra, bà Vũ Thị Hoan và ông Phạm Văn Diệt, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh hiện còn là bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ và Nguyễn Văn Hiến.
Vừa qua, xét xử vụ án Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) liên quan đến khu đất vàng 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, cơ quan tố tụng đã làm rõ việc từ năm 2005, Công ty Yên Khánh đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng và trong những năm đầu không có cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm kinh doanh.
Về sau Công ty Yên Khánh đăng ký kinh doanh vốn điều lệ lên 1.250 tỷ đồng; trong đó, bà Vũ Thị Hoan cùng một số cá nhân khác được Đinh Ngọc Hệ mượn làm thành viên góp vốn, nhưng thực tế không có vốn góp.
Năm 2006, Công ty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan làm lãnh đạo có tờ trình giới thiệu gian dối năng lực để hợp tác kinh doanh để từ đó chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất quốc phòng tại số 7-9 Tôn Đức Thắng hơn 503 tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào năm 2019, theo báo cáo của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Yên Khánh đứng đầu trong danh sách 198 doanh nghiệp nợ thuế với số nợ hơn 164 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương có nhiều khuất tất cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Hệ lụy là đến nay dự án chưa thể hoàn thành, trong khi ngân sách nhà nước phải bỏ ra hơn 550 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tình hình giao thông khu vực chưa được cải thiện và chính sách đầu tư công vì thế cũng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thực hiện nghiêm việc bảo hành Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh
18:54' - 25/05/2020
Đối với các dự án sắp hết thời gian bảo hành, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu cần thiết theo quy định, sửa chữa dứt điểm tồn tại trên tuyến.
-
DN cần biết
Tp. Hồ Chí Minh tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho 180 doanh nghiệp
17:01' - 22/05/2020
Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã xét tạm ngưng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) cho 180 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
-
Kinh tế và pháp luật
Tuyên án phúc thẩm vụ án tại dự án số 15 Thi Sách, TP Hồ Chí Minh
16:42' - 22/05/2020
Ngày 22/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ tầm nhìn về năng lượng sạch và bền vững
09:57'
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Metro Bến Thành - Tham Lương được đề xuất chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách
09:55'
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, với phần lớn là vốn vay ODA (khoảng 37.487 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư toàn diện, tạo luồng sinh khí mới cho các vùng quê
08:20'
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa kỹ thuật mới vào khai thác tiềm năng hải sản nước mặn
08:08'
Để hỗ trợ bà con nuôi thủy sản thành công, địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
20:27' - 25/11/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Ericsson
19:46' - 25/11/2024
Chiều 25/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Borje Ekholm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.