Kiên Giang kết nối, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

16:16' - 22/03/2024
BNEWS Sáng 22/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt doanh nghiệp năm 2024 và khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân năm 2023.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn ghi nhận, biểu dương những thành tích của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, năm 2024 dự báo tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nội tại của nền kinh tế tỉnh nhà chưa được khắc phục như sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của tỉnh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ.

Nguồn lực huy động tại chỗ cho đầu tư phát triển chưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sự thay đổi các loại hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng.

Thời gian tới, trong lãnh đạo, điều hành, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Tỉnh thực hiện phương châm "Ðồng hành và Kết nối" với mục tiêu không chỉ dừng lại giữa chính quyền và doanh nghiệp mà còn lan toả giữa các doanh nhân với doanh nghiệp ngoài tỉnh; sự kết nối và hoạt động mạnh mẽ của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị các Sở, ban ngành tỉnh, các huyện, thành phố thường xuyên nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Cùng với đó, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất, kiến nghị, qua đó giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Tỉnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng cường xúc tiến, quảng bá; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thương mại - du lịch; đưa ra nhiều giải pháp thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, chủ động góp ý vào cơ chế, chính sách, đề án, quy hoạch của tỉnh.

“Ủy ban nhân dân tỉnh rất mong muốn doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội cao, hướng đến nền kinh tế xanh. Thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp, phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò chủ động, đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ.

Đại diện cho các doanh nghiệp phát biểu tại buổi họp mặt, bà Phạm Thị Như Phượng, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang CIC Group kiến nghị các cơ quan ban ngành tổ chức các buổi triển khai và hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy định mới ban hành có liên quan đến các lĩnh vực: đất đai, môi trường, xây dựng, xuất nhập khẩu, thuế, tiền lương và lao động.

Đồng thời, mong muốn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, chia sẻ với doanh nghiệp và xuyên suốt từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở và đến từng cán bộ thực hiện.

Tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương quan tâm cũng như huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế hạ tầng, giao thông kết nối, nâng cấp mở rộng sân bay, cảng biển... để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp FDI, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế của tỉnh.

“Về phía các doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang sẽ đề ra các chiến lược phát triển trong giai đoạn mới gắn với chuyển đổi số, tài chính xanh, tăng trưởng xanh... hướng đến phát triển bền vững”, bà Phạm Thị Như Phượng chia sẻ thêm.

Năm 2023 tỉnh Kiên Giang có 1.559 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 16.800 tỷ đồng. Lũy kế tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 15/3/2024 có 12.224 doanh nghiệp với tổng vốn hơn 209.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 6,79%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 49.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt ước đạt hơn 865 triệu USD. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước tính trên 15.120 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 18 cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong Hội nhập và Phát triển năm 2023; 7 tập thể, 5 cá nhân hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023; 18 tập thể, 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện an sinh xã hội và 18 tập thể hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục