Kiên Giang phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số​

15:05' - 17/09/2024
BNEWS Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, tỉnh có gần 15% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer, gần 58.400 hộ, hơn 13%;dân tộc Hoa hơn 7.500 hộ, các dân tộc thiểu số còn lại có 265 hộ.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 285 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người có uy tín đã phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, dòng họ, đồng bào ở các xóm, ấp, khu phố chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Tích cực vận động nhân dân

Là người có uy tín tiêu biểu ở tỉnh Kiên Giang, Thượng tọa Danh Dổ, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Giồng Riềng, trụ trì chùa Cây Trôm, xã Bàn Thạch tích cực vận động đồng bào phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước và cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thượng tọa Danh Dổ chia sẻ ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, thông tin về tình hình do huyện, tỉnh tổ chức để nắm vững chủ trương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự của địa phương. Từ đó, trong các buổi thuyết pháp, Thượng tọa sẽ tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử và người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định.

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, 2021-2025, Thượng tọa Danh Dổ thường xuyên vận động phật tử chung tay xây dựng nông thôn mới, hiến đất và tham gia ngày công làm cầu, đường giao thông; tham gia bảo vệ môi trường, gìn giữ an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh.

“Để có thể tuyên truyền, vận động nhân dân, bên cạnh tích cực tham gia các buổi tập huấn, hội nghị do các đơn vị tổ chức, bản thân tôi cũng tăng cường xem ti vi, sách báo để cập nhật kiến thức, tình hình của địa phương, đất nước để có thể truyền tải một cách đầy đủ, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước đến người dân. Tôi cũng tranh thủ vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; làm cầu, đường… góp phần nâng cao đời sống, sinh hoạt người dân để bà con tin tưởng, thực hiện tốt những gì mình tuyên truyền, vận động”, Thượng tọa Danh Hổ cho hay.

Ông Huỳnh Khai Sị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Thượng tọa Danh Dổ vận động nhà hảo tâm và phật tử đóng góp sửa chữa cầu, đường giao thông, nhà tình thương, đầu tư nước sạch, trao tặng hàng nghìn suất quà, xe đạp, học bổng cho học sinh, người dân trong mùa dịch COVID-19 và các dịp lễ, Tết... với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bàn Thạch nhận xét, Thượng tọa Danh Dổ rất có uy tín, ăn nói lưu loát và có kiến thức xã hội, pháp luật sâu rộng nên những năm qua thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ việc xảy ra trong nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, nhờ sự tuyên truyền, vận động của Thượng tọa, các hộ dân tích cực hiến đất và ngày công làm cầu, đường giao thông, làm hàng rào cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp.

“Thượng tọa Danh Dổ phát huy tốt vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer, lan tỏa tấm lòng nhân ái, tạo mối quan hệ gắn kết, tinh thần đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Thượng tọa chính là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer của xã”, ông Sị nói.

Ông Danh Chung, ấp Sở Tại, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng được công nhận là người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013. Hơn 10 năm tham gia các hoạt động ở địa phương, ông Chung được đánh giá cao về công tác cảm hóa thành công các thanh thiếu niên quậy phá, gây mất trật tự xã hội, an toàn giao thông như: chạy xe lạng lách, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm, trộm cắp vặt… Không chỉ vậy, ông Chung cũng tích cực tham gia cùng cán bộ xã, ấp đến các khu chợ nhóm, hộ mua bán kinh doanh tuyên truyền, nhắc nhở bà con không xả rác thải bừa bãi trên đường, dưới sông rạch. Nhờ đó, môi trường nông thôn được sạch, đẹp hơn.

Ông Danh Niệm, ngụ ấp Sở Tại, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng cho biết, trước đây vợ chồng ông rất buồn và lo lắng khi có người con trai thường xuyên tụ tập cùng bạn bè ăn nhậu rồi quậy loạn. Con ông cũng trải qua 2 lần đi tù cải tạo về tội gây rối trật tự công cộng. Nhờ có ông Danh Chung nhiều lần gặp gỡ khuyên răn nên 2, 3 năm qua con trai tôi hạn chế rượu bia, chăm chỉ làm ăn, không còn quậy như trước đây. Hiện tại, cháu đi làm thợ hồ, bốc vác để lo cuộc sống ổn định cho gia đình nên vợ chồng tôi rất mừng và biết ơn ông Danh Chung”, ông Danh Niệm cho biết.

Thực hiện tốt chế độ, chính sách

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, tỉnh có gần 15% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer, gần 58.400 hộ, hơn 13%; dân tộc Hoa hơn 7.500 hộ, các dân tộc thiểu số còn lại có 265 hộ. Toàn tỉnh có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh hiện có 285 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là các trưởng dòng họ, tộc trưởng, trưởng ấp, sư sãi, chức sắc tôn giáo, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi, thầy thuốc, thầy cúng…

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, những năm qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt việc tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phát huy tinh thần hiếu học, chăm lo cho con em học tập nâng cao trình độ dân trí, có nghề nghiệp và việc làm ổn định; tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường, thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ việc.

Cùng với đó, người có uy tín đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện hiệu quả cổng rào an ninh trật tự, tham gia tốt phong trào an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn vùng biên giới hòa bình, hữu nghị; tích cực tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số không nghe theo các phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình, làm mất an ninh trật tự.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tích cực vận động đồng bào thực hiện tốt 19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, chí thú làm ăn để vươn lên trong cuộc sống.

Để phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Danh Phúc, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín; , kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Các địa phương thực hiện hiệu quả việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến người có uy tín trong đồng bào dân tộc đồng bộ theo hướng “Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình” gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

“Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tặng quà Tết, lễ quan trọng của đồng bào, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vật chất cho 285 người có uy tín của tỉnh; cấp phát đầy đủ, kịp thời các báo, tạp chí cho người có uy tín (không thu tiền) để làm cẩm nang thông tin tuyên truyền đến người dân”, ông Danh Phúc thông tin.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục