Kiên quyết xử lý nhà thầu làm chậm tiến độ dự án đầu tư công

14:43' - 09/10/2020
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục các dự án đầu tư công.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục các dự án đầu tư công.

Đồng thời, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoặc đề xuất điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2019 và những năm trước chuyển sang.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Cùng đó, có quy định cụ thể về chế tài đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực mình phụ trách; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các chủ đầu tư xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các Sở, ngành lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng, làm chậm tiến độ dự án.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giao ban định kỳ để xử lý các vướng mắc , có các biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn được giao…

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang đã đề xuất UBND tỉnh yêu cầu các dự án đã hoàn thành, đẩy nhanh thanh quyết toán, không để dồn lại cuối năm. Các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, tập trung hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh quyết toán vốn cho nhà thầu.

Đối với các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2020, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu.

Đối với các dự án khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định

Giải ngân vốn đầu tư công của An Giang đang đạt tỷ lệ tương đối khá và tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm 2020.

Năm 2020, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của An Giang được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 4.820 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao hơn 5.310 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2020, An Giang giải ngân được hơn 3.146 tỷ, đạt 65,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 59,25% HĐND tỉnh giao.

Trong đó vốn đầu tư cân đối từ ngân sách địa phương giải ngân đạt 61,23% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ giải ngân đạt 54,82% kế hoạch.

Đối với các kế hoạch vốn đầu tư công được kéo dài sang thực hiện và giải ngân năm 2020, tiến độ giải ngân các kế hoạch vốn này hiện còn chậm, chỉ đạt hơn 67,17%. Ước đến ngày 31/12/2020, giá trị giải ngân của An Giang đạt khoảng 93% kế hoạch.

Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm 2020 của An Giang đạt tương đối khá, tuy nhiên việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn vẫn còn nhiều khó khăn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân theo ông Toàn là do hai đợt bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã gây tác động làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.

Trong đó, các dự án xây dựng gặp khó khăn trong việc huy động nhân công đến công trình, cũng như đảm bảo an toàn khoảng cách khi thi công; các gói thầu mua sắm trang thiết bị gặp khó khăn trong việc huy động nhân công để vận chuyển, lắp đặt thiết bị; nhiều thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài nên không thể thông quan được vì tình hình dịch bệnh.

“Một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn tạm ứng khối lượng, thanh toán, quyết toán dự án; chưa tập trung xử lý triệt để công tác đền bù giải phóng mặt bằng... dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm so với yêu cầu”, ông Toàn thông tin./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục