Các cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt tại châu Phi
Trang mạng mg.co.za (Mail&Guardian) ngày 4/1 có bài phân tích của Tiến sĩ Alex Vines - Giám đốc chương trình châu Phi tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (Chatham House), giảng viên cao cấp tại Đại học Coventry - về sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc tại châu Phi với nhiều diễn biến đáng quan tâm năm 2019.
Năm 2018, Anh, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các chiến lược mới đối với châu Phi, trong khi Trung Quốc, Đức và Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược của các nước này đối với "Lục địa Đen". Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2019 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn ở châu Phi.
Năm 2018, việc Nga tái can dự sâu vào châu Phi là một diễn biến quan trọng, dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2019. Trong nhiều năm gần đây, Nga đã âm thầm tái đầu tư vào các đối tác thời Liên Xô cũ và củng cố các liên minh mới bằng cách cung cấp các dịch vụ an ninh, huấn luyện vũ trang và hỗ trợ bầu cử để đổi lấy quyền khai khoáng và các cơ hội khác.
Chỉ đến khi người Nga xuất hiện tại Cộng hòa Trung Phi năm 2018 với thỏa thuận bán vũ khí và đội quân đánh thuê, thế giới chợt nhận ra rằng nước Nga đang triển khai chiến lược châu Phi mới. Sự tái can dự của Nga cũng phát đi tín hiệu rằng trong tương lai, sự cạnh tranh địa chính trị và sự thử nghiệm quốc tế tại châu Phi sẽ diễn ra quyết liệt hơn.
Năm 2019 cũng sẽ chứng kiến sự kết nối rộng hơn giữa các khu vực của châu Phi với các đối tác thuộc châu lục khác. Năm 2019, vùng Sừng châu Phi và Đông Phi sẽ hướng tới châu Á và Trung Đông do các khoản đầu tư, bối cảnh chính trị và quyền lực mềm. Cuộc khảo sát gần đây cho thấy giới thượng lưu châu Phi (tính cả Nam Phi) ngày càng chọn Dubai là điểm đến hàng đầu trong các kỳ nghỉ.
Tranh cãi giữa Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đang lan rộng ra toàn khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến bất ổn chính trị ở Somalia. Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự châu Phi với việc xây dựng cảng ở Eritrea. Năm 2018, Tổng thống Recep Tayip Erdogan đã có chuyến công du tới khu vực Sahel – chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực này, báo hiệu tham vọng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu lục.
Tháng 3/2018, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua đề xuất mở mới 18 cơ quan ngoại giao của nước này ở châu Phi. Ấn Độ đang triển khai mở các đại sứ quán tại Burkina Faso, Cameroon, Cape Verde, CH Chad, CHDC Congo, Djibouti, Guinea Xích đạo, Eritrea, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mauritania, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Somalia, Swaziland và Togo.
Khi quá trình này hoàn thành, Ấn Độ sẽ có ít nhất một cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi trong số 47 nước châu Phi. Năm 2018, New Delhi chịu thất bại chính trị tại Seychelles khi Quốc hội Seychelles từ chối đề xuất của Ấn Độ về việc thuê căn cứ quân sự trên Đảo Giả định.
Năm 2019, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD) sẽ được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản. Tokyo tiếp tục tăng cường can dự thương mại, phát triển, chính trị ở châu Phi và Nhật Bản đã và đang nỗ lực hợp tác với Ấn Độ thông qua sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á - Phi để cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.
Trung Quốc đang triển khai trọng tâm chính sách - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở châu Á và Đông Bắc châu Phi. Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 9/2018 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi hơn so với số lượng các đại biểu này tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.
FOCAC cho thấy tầm quan trọng nhất quán của châu Phi đối với Trung Quốc và cường quốc châu Á này tiếp tục cam kết đầu tư 60 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2021 (tương đương mức đầu tư giai đoạn 2015-2018), nhưng cơ cấu đầu tư khác trước cho thấy sự thay đổi các ưu tiên của Trung Quốc ở "Lục địa Đen".
Năm 2018 diễn ra cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu các khoản vay của Trung Quốc đối với các nước châu Phi có bền vững hay không. Ba quốc gia - Djibouti, CHDC Congo và Zambia hiện đang quá phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc (xét theo tỷ lệ nợ nước ngoài tại các nước này do Trung Quốc nắm giữ). Cameroon, Ethiopia, Ghana, Mozambique, Sudan và Zimbabwe cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng tương tự.
Các nhà phê bình trích dẫn trường hợp cảng Lambantota của Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm để thanh toán cho các khoản nợ không có khả năng chi trả của nước này. Djibouti có thể cũng sẽ ở trong tình huống tương tự như Sri Lanka. Thực tế này gây lo ngại đối với các nước phương Tây, gồm Pháp, Nhật Bản và Mỹ, có các căn cứ quân sự ở khu vực.
Báo cáo mới nhất về đầu tư thế giới tại Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho thấy đang diễn ra sự thay đổi đáng kể luồng tài chính ở châu Phi. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại châu Phi đã tăng từ 16 tỷ USD năm 2011 lên 40 tỷ USD năm 2016, đứng thứ 4 sau Mỹ (57 tỷ USD), Anh (55 tỷ USD) và Pháp (49 tỷ USD).
So với Trung Quốc, vốn FDI của ba nước đầu tư lớn nhất ở châu Phi tương đối ổn định, ít thay đổi trong giai đoạn này. Trong khi đó, vốn FDI của Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh vào châu Phi đang tăng lên, và các nguồn tài chính truyền thống từ Mỹ, Pháp và Anh dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019.
Tháng 12/2018, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược mới về châu Phi. Chiến lược này cho thấy Mỹ quan tâm đến việc chống lại Trung Quốc và Nga hơn là thúc đẩy các mục tiêu chính sách của Mỹ và chủ yếu thể hiện những gì Washington sẽ không làm hơn là những gì họ đã cam kết.
Chưa rõ liệu Mỹ có dành nguồn lực mới nào đối với châu Phi hay không, nhưng việc tập trung kiềm chế Nga và Trung Quốc sẽ khiến Vịnh Aden trở thành trọng tâm cạnh tranh chiến lược với nguy cơ cản trở thương mại hàng hải quốc tế. Mỹ và EU ngày càng quan tâm đến các nguồn khoáng sản chiến lược cho thấy quốc tế sẽ tập trung hơn nhiều vào CHDC Congo và nguồn tài nguyên của nước này.
Bất chấp tương lai bất định của Brexit, năm 2018, Vương quốc Anh đã thông qua chiến lược mới về châu Phi, trong đó có khoản ngân sách bổ sung 30 triệu bảng cho việc mở mới hoặc mở cửa trở lại các đại sứ quán Anh ở CH Chad, Djibouti, Swaziland, Lesotho và Nigeria. Tháng 8/2018, lần đầu tiên kể từ năm 2013, một thủ tướng Anh công du tới châu Phi. Các kế hoạch của London cho thấy Anh sẽ tổ chức hội nghị đầu tư châu Phi năm 2019 và tham vọng trở thành nhà đầu tư G7 hàng đầu ở "Lục địa Đen".
Thông qua 9 chuyến thăm tới 11 nước châu Phi, Tổng thống Emmanuel Macron cho thấy châu Phi đã và đang nổi lên như một "mắt xích" quan trọng trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Pháp.
Năm 2018, Đức tiếp tục cam kết gắn bó với châu Phi thông qua việc điều chỉnh “Kế hoạch Marshall cho Châu Phi” ban đầu thành một sáng kiến mang tính hợp tác hơn nhằm khuyến khích sản xuất và đa dạng hóa các nền kinh tế châu lục. Trong thực tế, thương mại của Anh, Pháp và Đức với châu Phi tiếp tục giảm trong năm 2018.
Tháng 10/2018, lo ngại trước làn sóng di cư từ "Lục địa Đen" tới châu Âu, EU cũng đưa ra chiến lược mới đối với châu Phi. Vấn đề quan trọng là làm thế nào các nhà lãnh đạo các nước và khu vực thuộc châu Phi có thể tận dụng sự chuyển dịch quan tâm quốc tế mới này?
Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) nhằm xây dựng một thị trường châu Phi hội nhập gồm hơn 1 tỷ người với tổng GDP khoảng 3.300 tỷ USD, có thể thúc đẩy tăng trưởng châu lục tốt hơn, nhưng điều đó cũng đòi hỏi sự liên minh và hợp tác lớn hơn.
Lâu nay, các cuộc bầu cử tổng thống thường thúc đẩy các tầm nhìn Liên châu Phi như Quan hệ đối tác mới cho phát triển châu Phi (NEPAD). Năm 2019, ba nước chủ chốt của châu lục là Nam Phi, Nigeria và Algeria sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống.
Bối cảnh chính trị tiến bộ, phát triển có ý nghĩa lớn đối với khu vực và lục địa. Năm 2018, thay đổi tích cực lớn và bất ngờ nhất là tình hình chính trị Ethiopia. Một năm trước đó, không ai dám dự đoán những cải cách hiện đang diễn ra.
Những thay đổi chính trị đó có thể coi là cơn địa chấn và sự hợp tác Ethiopia - Eritrea đang làm thay đổi các tính toán địa chính trị ở vùng Sừng châu Phi và hơn thế nữa. Sau khi cựu Thủ tướng Hailemariam Desalegn từ chức và tân Thủ tướng Abiy Ahmed nhậm chức tháng 4/2018, những thay đổi chính trị sâu rộng đã gây ra sự bất ổn ở một số khu vực nhất định.
Mặc dù vậy, không phải tất cả đều là màu hồng. Dù sự hà khắc của chính quyền cũ dần được nới lỏng, bạo lực sắc tộc đã khiến khoảng 1,4 triệu người Ethiopia phải di cư trong nội bộ đất nước.
Phản ứng của các nhà lãnh đạo châu Phi với làn sóng toàn cầu hóa mới này là điểm mấu chốt cho việc liệu sự tập trung chú ý của các cường quốc, trung tâm quyền lực sẽ gây chia rẽ và gia tăng rạn nứt chính trị lục địa hơn nữa, hay xu hướng mới này sẽ giúp phát triển kinh tế các nước và khu vực tốt hơn, cũng như nâng cao tiếng nói của châu Phi trên trường quốc tế./.
- Từ khóa :
- trung quốc
- kinh tế mỹ
- châu phi
- ấn độ
- vành đai và con đường
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Mục tiêu của Mỹ trong "Chiến lược châu Phi mới"
05:30' - 25/12/2018
Theo tờ Minh báo, nhật báo của Hong Kong, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây đã công bố chính sách của chính quyền Donald Trump đối với châu Phi, còn gọi là "Chiến lược châu Phi mới".
-
DN cần biết
Sẽ xây Trung tâm năng lượng Mặt Trời nổi đầu tiên ở châu Phi
10:53' - 05/12/2018
Bờ Biển Ngà sẽ xây dựng Trung tâm năng lượng Mặt Trời nổi đầu tiên ở châu Phi, nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn năng lượng tổng hợp.
-
Kinh tế Thế giới
IATA kêu gọi châu Phi mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không
18:32' - 27/11/2018
Các quan chức hàng không quốc tế bày tỏ quan ngại việc chính phủ nhiều nước châu Phi đang thực hiện ngăn chặn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không.
-
Kinh tế Thế giới
Cuộc khủng hoảng nợ mới tại châu Phi
06:00' - 05/11/2018
Trang mạng mg.co.za (Mail&Guardian) có bài phân tích đánh giá về cuộc khủng hoảng nợ mới tại châu Phi.
-
Chuyển động DN
Tập đoàn Alibaba ra mắt sàn thương mại điện tử đầu tiên của châu Phi
07:19' - 02/11/2018
Tại thủ đô Kigali của Rwanda, tập đoàn Alibaba đã ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử đầu tiên hoạt động trên phạm vi toàn châu Phi.
-
Kinh tế Thế giới
Đầu tư Trung Quốc ít được hoan nghênh ở châu Phi?
05:30' - 30/10/2018
Trung Quốc rất muốn tăng cường quan hệ với châu Phi để tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang căng thẳng.
-
Kinh tế Thế giới
Nga tiếp tục hỗ trợ các nước châu Phi nhưng không áp đặt
10:06' - 07/10/2018
Nga tiếp tục đóng góp cho các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nước châu Phi một cách thân thiện, không áp đặt.
-
Kinh tế Thế giới
Các nước châu Phi tìm kiếm nguồn tài trợ từ IMF
07:02' - 02/10/2018
Trang mạng dailymaverick.co.za đăng bài phân tích về việc các nước châu Phi, vốn đang gánh chịu các khoản nợ lớn, một lần nữa hướng đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm giải pháp.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Ngành ô tô Thái Lan tiếp tục giảm mạnh sản lượng
18:05' - 25/11/2024
Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,5 triệu ô tô chở khách và xe tải trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2021 khi cả doanh số bán trong nước và xuất khẩu đều giảm.
-
Kinh tế Thế giới
Malaysia tìm kiếm đối tác cho chuỗi cung ứng bán dẫn
17:39' - 25/11/2024
Malaysia đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng bán dẫn, qua đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các rủi ro khi Mỹ triển khai chính sách thuế quan mới.
-
Kinh tế Thế giới
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
17:24' - 25/11/2024
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Expert mới đây, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Patrushev cho biết nước này hiện là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản ra thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu
12:07' - 25/11/2024
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu và là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Địa Trung Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
12:05' - 25/11/2024
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
12:05' - 25/11/2024
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 25/11 đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN, Ấn Độ thông báo vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại song phương
09:49' - 25/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Công thương Ấn Độ mới đây thông báo vòng đàm phán tiếp theo về rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Fed: Nợ công của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính
14:29' - 24/11/2024
Theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nợ công của nước này hiện là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, vượt qua cả vấn đề lạm phát cao dai dẳng.
-
Kinh tế Thế giới
Hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam
09:26' - 24/11/2024
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương này