Kinh tế Anh sẽ "rơi tự do" với "Brexit cứng"

22:02' - 11/01/2019
BNEWS Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Anh Carolyn Fairbairn cảnh báo việc không đạt được thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế lớn, sâu rộng và lâu dài.
Kinh tế Anh sẽ "rơi tự do" với "Brexit cứng". Ảnh: EPA

Phát biểu ngày 11/1 tại thành phố Bristol, Tây Nam nước Anh, bà Fairbairn đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Theresa May ngay lập tức vạch kế hoạch nhằm bảo vệ việc làm, tránh để giới đầu tư hoài nghi về việc chọn Anh là điểm đến kinh doanh, trong trường hợp Quốc hội không thông qua thỏa thuận.

Bà nhận định tăng trưởng kinh tế Anh có thể giảm tới 8%, dẫn tới giảm ngân sách cho dịch vụ công. Các doanh nghiệp có thể đối mặt với các khoản chi phí và thuế quan mới.

Hoạt động của các cảng biển có thể gián đoạn, khi tách doanh nghiệp khỏi những lĩnh vực cần cung cấp cho khách hàng.

Các thỏa thuận thương mại với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng bên bờ vực bị hủy bỏ.

Về vấn đề kiểm soát người nhập cư trong giai đoạn hậu Brexit, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Anh cho rằng bất kỳ động thái nào nhằm giảm số lượng người nhập cư sẽ không chỉ gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh mà còn cả đất nước.

Do đó, các doanh nhân, các nhà lãnh đạo và quản lý cần giải thích về những kỹ năng, sáng kiến và hoạt động kinh doanh mà lao động nước ngoài đem lại.

Hiện Anh vẫn chưa công bố các đề xuất chi tiết về vấn đề nhập cư đối với công dân EU đến nước này sau khi Anh rời EU ngày 29/3.

Từ ngày 9/1, Quốc hội Anh bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài 5 ngày trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu chính thức về thỏa thuận nước này rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu vào ngày 15/1 tới.

Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay khẳng định Chính phủ Anh sẽ phản ứng nhanh chóng nếu thỏa thuận Brexit hiện nay bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu tuần tới.

Ông Barclay nêu rõ mong muốn đảm bảo rằng dù kết quả của phiên tranh luận ra sao thì chính phủ cũng sẽ phản ứng nhanh chóng nhằm cho Hạ viện thấy mức độ đảm bảo cao nhất có thể.

Hồi tháng 12/2018, Thủ tướng May đã hoãn trình thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh do lo ngại văn bản này sẽ không được thông qua.

Thỏa thuận Brexit trên đã được bà nhất trí với giới chức EU, song văn bản này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Anh, do điều khoản "rào chắn", tức là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sau Brexit.

Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải.

Hiện có hai lựa chọn cho các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận.

Kịch bản xấu nhất này sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với Anh và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục