Kinh tế Đức vẫn đứng vững trước "cơn địa chấn" Volkswagen

11:35' - 01/10/2015
BNEWS Nhiều nhà kinh tế lo ngại về những ảnh hưởng từ VW đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này, bởi VW là hãng xe lớn nhất thế giới xét về doanh số bán.
Chính phủ Đức tỏ ra lạc quan về tốc độ tăng trưởng của nước mình. Nguồn: Reuters

Vụ bê bối gian lận khí thải của Tập đoàn sản xuất ô tô Đức Volkswagen (VW) vẫn chưa có dấu hiệu "nguội" lại khi chính phủ nhiều quốc gia trên toàn thế giới tiếp tục tiến hành điều tra nhằm xác định số xe có cài đặt phần mềm gian lận.

Tuy nhiên, Chính phủ Đức không tỏ ra quá bi quan về những tác động của vụ việc này với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Các nhà chức trách Pháp cho biết có tới 900.000 xe hơi do hãng Volkswagen sản xuất dưới các thương hiệu Volkswagen, Audi và Skoda có thể đã được cài đặt phần mềm gian lận trên.

Trong khi đó, 700.000 chiếc xe thương hiệu Seat của Volkswagen Tây Ban Nha cũng được xác định gắn loại động cơ EA 189.

Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha, Jose Manuel Soria, cho biết Chính phủ nước này sẽ yêu cầu chi nhánh Seat của VW phải hoàn trả khoản trợ cấp đã được nhận để sản xuất các loại xe tiết kiệm nhiên liệu.

Tại Thụy Sĩ, Cơ quan Đường bộ Liên bang Thụy Sỹ cho biết khoảng 180.000 xe ô tô hiệu Audi, Seat, Skoda và các dòng xe khác của VW trong những năm 2009-2014 có thể bị ảnh hưởng vì vụ bê bối trên.

Mới đây nhất, ngày 29/9, chi nhánh Volkswagen tại Mexico (Volkswagen México) cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 8/2015, hãng này đã tung ra thị trường Mexico khoảng 32.000 xe dòng EA189 dùng động cơ diesel nằm trong diện điều tra trước khi đi tới kết luận liệu có liên quan tới vụ cài đặt phần mềm gian lận khí thải để vượt qua khâu sát hạch mức khí thải cho phép hay không.

Trong một thông báo, Volkswagen México nói rõ quá trình điều tra tới sẽ tập trung vào các loại xe 4 xi lanh thuộc các dòng Transporter 2.0 TDI, Amarok 2.0 TDI, Vento 1.5/1.6 TDI, Jetta Gen. 4 (Clásico) 2.0 TDI, Bora 2.0 TDI, Nuevo Jetta Gen. 6 2.0 TDI, Audi Q3 2.0 TDI ( 2015) và Audi A4 2.0 TDI.

Bên cạnh đó, Volkswagen cũng sẽ tiến hành kiểm tra lượng khí thải các sản phẩm tại Brazil, nơi đã tiêu thụ khoảng 84.000 xe mang thương hiệu Amarok kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, nhà chức trách Brazil tin tưởng rằng xe Amarok không được cài đặt phần mềm gian lận khí thải.

Volkswagen đang chịu sức ép lớn chưa từng có trong lịch sử 78 năm hoạt động. Ảnh: Reuters/TTXVN

Chi nhánh Volkswagen tại Mỹ Latinh cũng tuyên bố không bị ảnh hưởng trong vụ bê bối trên vì các xe do họ sản xuất đều đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của khu vực.

Trước đó, Chính phủ Italy cũng tuyên bố sẽ thu hồi các xe VW tại nước này nếu chứng minh được hãng xe có gian lận trong các cuộc kiểm tra khí thải của châu Âu.

Tuy nhiên, trong một công văn trả lời Bộ trưởng Bộ Môi trường Italy Gian Luca Galletti, Tổng giám đốc Volkswagen Italy, ông Massimo Nordio khẳng định rằng tất cả các sản phẩm của hãng này được bán tại thị trường Italy đều tuân thủ các quy định, chuẩn mực về mức độ khí thải.

Ông Massimo Nordio nêu rõ rằng, tất cả các động cơ diesel EU 6 hiện đang được lưu hành trên thị trường châu Âu nói chung và Italy nói riêng đều hợp chuẩn với các tiêu chí theo quy định của châu Âu.

Nhiều nhà kinh tế tỏ ra lo ngại về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng VW đối với đà tăng trưởng kinh tế Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, bởi đây không chỉ được biết tới là hãng xe lớn nhất thế giới xét về doanh số bán, mà còn là niềm tự hào của ngành công nghiệp Đức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel mới đây đã tuyên bố rằng vụ bê bối khí thải của VW sẽ không gây tổn hại cho nền kinh tế nước này nếu hãng đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời và toàn diện.

Thêm vào đó, ông Gabriel cho rằng, việc kinh tế Đức có bị tác động mạnh hay không sau "cơn địa chấn" này còn phụ thuộc vào các nhà chính trị Đức.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Mọi việc sẽ ổn nếu Chính phủ đảm bảo rằng việc làm của khoảng 600.000 nhân viên VW trên toàn cầu không bị ảnh hưởng".

Trước tình hình căng thẳng hiện tại, VW cũng thể hiện thái độ khá tích cực khi vừa đưa ra thông báo hãng sẽ thu hồi 11 triệu xe trên toàn thế giới để khắc phục hậu quả của vụ bê bối cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải trong các xe do hãng sản xuất.

Trong cuộc họp kín với 1.000 giám đốc và quản lý các chi nhánh của VW tại trụ sở tập đoàn ở Wolfsburg (Đức) ngày 28/9, tân Giám đốc điều hành VW Matthias Mueller, cho biết hãng đang gấp rút hoàn thành bản kế hoạch để trình lên các cơ quan chức năng về việc thay thế toàn bộ những phần mềm gian lận lượng khí thải trong các sản phẩm của VW có mặt trên thị trường bằng những phần mềm đạt chuẩn.

Minh Trang (Tổng hợp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục