Kinh tế Hà Nội năm 2024 - Bài 1: Vượt qua khó khăn

12:15' - 13/12/2023
BNEWS Năm 2023, kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động, rõ rệt nhất là thị trường xuất khẩu sụt giảm; sức mua của thị trường nội địa và sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Thành phố đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nên kinh tế Thủ đô vẫn giữ vững nhịp độ phát triển.

 

Giữ vững đà tăng trưởng

Theo số liệu mới nhất của UBND thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của Thủ đô ước tăng 6,11%. Đây là mức tăng thấp hơn so với kịch bản đề ra nhưng là mức tăng gấp 1,43 lần mức tăng chung của cả nước.

Cục Thống kê Hà Nội dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng quý IV tăng 6,5% thì GRDP cả năm tăng 6,2%; quý IV tăng 7,0% thì GRDP cả năm tăng 6,35%. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, quý IV sẽ phải tăng 9,4%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp đã giúp cho nhiều lĩnh vực quan trọng của Thủ đô đạt kết quả tốt. Các chỉ số cân đối của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cho các khoản chi ngân sách. Dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 trên địa bàn là 400.421 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với năm 2022.

Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 102.155,5 tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán Thành phố giao đầu năm và đạt 91,1% dự toán sau điều chỉnh; trong đó, chi đầu tư phát triển 48.600 tỷ đồng; chi thường xuyên 53.482,9 tỷ đồng.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thành phố thực hiện kiểm soát tốt giá cả, thị trường và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; bình ổn giá, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu… Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong năm tăng 1,51% - thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (tăng 3,49%) và thấp hơn cả nước (3,2%). Dự kiến CPI đến hết năm 2023 trong giới hạn đề ra là dưới 4,5%.

Du lịch phục hồi mạnh, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 20,7 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần (đã vượt mục tiêu cả năm là 3 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,7%. Dự kiến cả năm, khách nội địa đạt 20 triệu lượt, khách quốc tế 4 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra.

Năm 2023, sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,6%. Vốn đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì tăng trưởng. Vốn đầu tư xã hội đạt 328.133 tỷ đồng, tăng 9,0% so cùng kỳ. Ước cả năm 2023, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá với 2.607 triệu USD, tăng 2,04 lần so với cùng kỳ; trong đó, 346 dự án mới với 321 triệu USD; 141 lượt tăng vốn với 242 triệu USD; 274 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 2.044 triệu USD.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm. Trong năm có 26.470 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 260.954 tỷ đồng; 7.592 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 13%). Ước tính cả năm 2023 có 31.432 doanh nghiệp thành lập mới. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại là 373.995 doanh nghiệp.

Dồn sức cho phục hồi và phát triển kinh tế

Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong năm, thành phố đã tiếp nhận 3.691 hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 với tổng số tiền đề nghị giảm là trên 1.113 tỷ đồng; ban hành 2.615 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 với tổng số tiền được giảm là 756,61 tỷ đồng (cả nước giảm 3,46 nghìn tỷ đồng).

Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đến tháng 10/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn đạt trên 36.577 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 14.105 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng luỹ kế từ đầu Chương trình (20/5/2022) đạt 140,73 tỷ đồng cho 310 khách hàng (cả nước đạt 681 tỷ đồng - bằng 1,7% nguồn lực bố trí).

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang dành nguồn lực tài chính để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, nhu cầu vay tín dụng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tục mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với thời điểm cuối năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt trên 4,9 triệu tỷ đồng, giảm 1,22% so với thời điểm kết thúc năm 2022; Tổng dư nợ trên 3,26 triệu tỷ đồng, tăng 10,85%; trong đó, dư nợ ngắn hạn tăng 12,49%, dư nợ trung và dài hạn tăng 9,73%.

Dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 553.176 tỷ đồng. Thành phố cũng đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Nợ xấu của tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm 2,08% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội được thành phố giao tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, thực sự là cầu nối giao lưu hàng hoá, tạo môi trường cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và bắt tay với các đối tác.

Thành phố Hà Nội đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác quốc tế mới, mở rộng hợp tác tới địa bàn mới với Cairo (Ai Cập); tiếp tục triển khai công tác đàm phán và các thủ tục liên quan ký kết thỏa thuận với các đối tác: Saint Petersburg (Liên bang Nga), Rome (Italia), Minsk (Belarus), Caracas (Venezuela)…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, bên cạnh các giải pháp, biện pháp thực hiện phát triển kinh tế, Hà Nội chú trọng cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Đây là giải pháp quan trọng giúp chỉ đạo điều hành, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công và tạo môi trường thông thoáng thu hút vốn đầu tư.

Hà Nội đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm 2023 theo tinh thần 3 “rõ” gồm: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ. Thành phố tăng cường kiểm tra công vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (đã tiến hành kiểm tra công vụ đột xuất đối với 30 đơn vị, 2 vụ việc theo chỉ đạo của UBND Thành phố).

Thành phố thực hiện thí điểm và đi đầu cả nước về phân cấp, ủy quyền trong cải cách thu tục hành chính thủ tục hành chính. UBND Thành phố có phương án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính 708/1.895 thủ tục hành chính, đạt 37,36% (trong đó, 613 thủ tục hành chính đề xuất mới và tiếp tục thực hiện 91 thủ tục hành chính đã được phân cấp, ủy quyền); phê duyệt quy trình nội bộ 574 , đạt tỷ lệ 100%. Vì vậy, chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index năm 2022 đạt 89,58 điểm, xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS năm 2022 đạt 80,16%, là năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, tiếp tục xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục