Kinh tế Indonesia vươn mình khỏi nhãn dán “mong manh”

06:30' - 07/07/2022
BNEWS Giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương đang “nối gót” Fed thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, kinh tế Indonesia đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể.

Một thập kỷ trước, Indonesia được gắn nhãn là một trong 5 thị trường mới nổi mong manh nhất.

Theo đó, nền kinh tế nước này rất dễ bị tổn thương trước xu hướng chuyển dịch của các dòng vốn quốc tế, khiến giá trị đồng nội tệ rupiah sụt giảm bất cứ khi nào lãi suất toàn cầu tăng.

Tuy nhiên hiện nay, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương đang “nối gót” Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu nền kinh tế Indonesia đã có những thay đổi về cơ bản hay không?

* Indonesia được hưởng lợi như một quốc gia xuất khẩu hàng hóa ròng

Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) là một trong những ngân hàng ít “diều hâu” nhất thế giới. Cho đến nay, ngân hàng này vẫn chưa đưa ra gợi ý về thời điểm nâng lãi suất, trong khi tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á chỉ mới nhích nhẹ lên trên phạm vi mục tiêu 2-4%. Bên cạnh đó, đồng nội tệ rupiah cũng được đánh giá là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất trong số các đồng tiền mới nổi của châu Á.

Điều này trái ngược với viễn cảnh năm 2013, khi Fed mới chỉ đề cập đến kế hoạch thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế, Indonesia đã chứng kiến dòng vốn ồ ạt chảy ra khỏi nền kinh tế, khiến đồng rupiah giảm 20% và buộc BI phải tăng lãi suất thêm 175 điểm cơ bản.

Ivan Tan, chuyên gia phân tích thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm S&P, phát biểu trong một buổi hội thảo vào tuần trước rằng: "Ở Indonesia... vẫn chưa có động thái tăng lãi suất nào từ đầu năm đến nay. Bây giờ điều đó cực kỳ hiếm".

Bất chấp một số rủi ro chính trị, Indonesia dường như đang vượt qua các điều kiện kinh tế tiêu cực tốt hơn so với các quốc gia khác nằm trong nhóm 5 thị trường mới nổi mong manh nhất, bao gồm Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Brazil.

Các nhà hoạch định chính sách cho biết họ đã ghi nhớ bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và đưa ra các chính sách như thiết lập thị trường ngoại hối kỳ hạn không giao dịch trong nước, khuyến khích sử dụng nhiều hơn các loại tiền tệ khác trong thương mại và đầu tư thay vì đồng USD và bán nhiều trái phiếu hơn cho các nhà đầu tư trong nước để tránh việc quá phụ thuộc vào nguồn tiền nóng từ nước ngoài.

Trong khi giới quan sát vẫn tranh luận về việc những chính sách này đã giúp ích như thế nào cho Indonesia, họ đồng thuận với nhận định rằng xuất khẩu cao kỷ lục trong bối cảnh bùng nổ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu đã giúp Indonesia củng cố khả năng phục hồi kinh tế của mình.

"Indonesia được hưởng lợi như một quốc gia xuất khẩu hàng hóa ròng... đó là một điểm tựa rất tốt để nước này kiểm soát một số áp lực đến từ lạm phát nguồn cung, mà một số nền kinh tế khác đang phải vật lộn để đối phó", chuyên gia Tan nói.

Điều này không chỉ giúp một đất nước giàu tài nguyên là Indonesia ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai mà còn giúp chính phủ có nguồn lực để tài trợ cho các khoản trợ cấp năng lượng nhằm bảo vệ 270 triệu dân khỏi môi trường giá dầu cao trên toàn cầu.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Indonesia (.JKSE) đã ghi nhận mức tăng hơn 5% tính đến thời điểm hiện tại so với mức giảm của các thị trường chứng khoán lớn khác ở châu Á. Trước đó, JKSE được vinh danh là thị trường có nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhất Đông Nam Á vào năm ngoái.

Giới chức hy vọng sự ổn định trên thị trường tài chính sẽ cho phép nền kinh tế Đông Nam Á này tăng trưởng ít nhất 6% mỗi năm, để Indonesia có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia giàu có vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm giành độc lập.

Các mục tiêu dài hạn của Indonesia cũng bao gồm khai thác nhiều hơn các nguồn tài nguyên dồi dào, trong đó có các khoáng sản như quặng nickel, bằng cách tinh chế nhiều hơn ở trong nước.

Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết việc chính phủ tập trung đẩy mạnh hoạt động gia công hàng hóa sẽ làm thay đổi cấu trúc cán cân đối ngoại của Indonesia, giúp tăng cường dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi vẫn đa dạng hóa xuất khẩu.

Nhà lãnh đạo này nói: "Trong cả năm, thâm hụt (tài khoản vãng lai của Indonesia) sẽ ở mức nhỏ và cán cân thanh toán nói chung sẽ thặng dư. Điều này có nghĩa là về cơ bản, nguồn cung ngoại hối sẽ được giữ ở mức cao, giúp duy trì sự ổn định của giá trị đồng rupiah".

* Sự cải tiến tạm thời?

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ẩn sau thành công hiện tại của kinh tế Indonesia là những rủi ro chính trị liên quan đến một số cải cách quan trọng của Tổng thống Joko Widodo và tham vọng dài hạn đưa nước này trở thành quốc gia giàu có vào năm 2045.

Thách thức đầu tiên liên quan đến bộ luật Tạo việc làm mới của ông Joko Widodo, vốn hướng đến mục đích tinh giản các hoạt động hành chính. Thách thức thứ hai là việc Liên minh châu Âu (EU) phản đối lệnh cấm xuất khẩu nickel của Indonesia.

Ngoài ra, vẫn còn câu hỏi về việc liệu sự ổn định hiện nay của Indonesia có tiếp tục được duy trì hay không, với việc Fed vẫn dự kiến sẽ mạnh tay hơn nữa trong kế hoạch tăng lãi suất, giá hàng hóa hạ nhiệt và rủi ro suy thoái toàn cầu hiện hữu.

Thomas Rookmaaker, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, nói với Reuters: “Phần lớn sự cải thiện của Indonesia dường như chỉ mang tính chất tạm thời”.

Theo nhà lãnh đạo Rookmaaker, Fitch dự đoán BI sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm 2023 nhằm hạn chế sự chênh lệch lãi suất với Mỹ và tránh để đồng rupiah mất giá mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia Tan của S&P cũng kỳ vọng áp lực lên đồng rupiah sẽ tăng cao trong năm nay giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương bước vào cuộc đua thắt chặt tiền tệ.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích lại cho rằng BI không cần vội vàng tăng lãi suất do lạm phát cơ bản ở Indonesia vẫn ở mức thấp.

Damhuri Nasution, một chuyên gia kinh tế tại hãng cung cấp các dịch vụ tài chính BNI Securities, cho biết xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sẽ được duy trì mạnh mẽ trong thời gian tới, giúp BI có thời gian để tập trung vào sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng và theo dõi rủi ro suy thoái.

Tương tự, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ủng hộ câu chuyện tăng trưởng của Indonesia.

Người đứng đầu mảng chiến lược các thị trường mới nổi toàn cầu của hãng quản lý tài sản Jupiter Asset Management Nick Payne tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Indonesia và dự đoán thị trường này sẽ tiếp tục phục hồi sau đại dịch.

Chuyên gia Payne nhận định: “Lạm phát ở mức vừa phải, vị thế tài khoản vãng lai tốt trong khi giá hàng hóa tăng mạnh, tất cả đều góp phần vào sự ổn định của đồng rupiah trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục