Kinh tế Nam Phi đối mặt với nguy cơ khủng hoảng

06:30' - 16/08/2019
BNEWS Kho bạc Nhà nước đã duy trì chi tiêu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó ổn định mức nợ bằng các chính sách củng cố tài chính, nhưng chúng không mang lại hiệu quả.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại cuộc họp báo ở Johannesburg. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng qz.com mới đây đăng bài phân tích của Giáo sư Seán Mfundza Muller, giảng viên cao cấp về kinh tế, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Công và Môi trường (PEERC) thuộc Đại học Johannesburg (Nam Phi) về những khó khăn nghiêm trọng mà nền kinh tế Nam Phi đang phải đối mặt. Bài viết có nội dung như sau:

Tài chính công của Nam Phi đang ở trong tình trạng nguy hiểm với 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thấp hoặc gần như bằng không. Thứ hai, doanh thu thuế tiếp tục thấp hơn dự kiến. Thứ ba, mức nợ công/GDP tăng nhanh chóng và hiện đang ở mức cao nhất trong thời kỳ hậu chế độ phân biệt chủng tộc (1994). Thứ tư, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước dẫn đến chính phủ cần cứu trợ với quy mô lớn.

Kể từ thời điểm đệ trình ngân sách tài khóa 2019/2020 vào tháng 2/2019, tình hình kinh tế, tài chính càng trở nên xấu hơn. Nếu hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody hạ mức tín nhiệm đầu tư của Nam Phi (hai hãng khác là Fitch và S&P đã xếp hạng đầu tư của Nam Phi ở mức không đáng đầu tư - mức “rác”) sẽ dẫn đến tình trạng tháo vốn đầu tư và làm trầm trọng thêm vấn đề. Trên thực tế, Nam Phi vẫn đang may mắn vì điều này chưa xảy ra.

Tình hình tài chính công hiện nay của Nam Phi là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau trong 3 giai đoạn chồng chéo. Đầu tiên là giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thứ hai là thời kỳ nắm quyền nhiệm kỳ hai của Tổng thống Jacob Zuma. Giai đoạn 3 là khoảng thời gian kể từ khi Tổng thống Cyril Ramaphosa lên nắm quyền vào tháng 2/2018. Đánh giá kỹ lưỡng các giai đoạn này sẽ cho kết quả mâu thuẫn với các tuyên bố phổ biến trong bối cảnh chính trị hiện tại. 

Một số người cho rằng những khó khăn hiện nay của Nam Phi bắt đầu với thời kỳ nắm quyền của cựu Tổng thống Zuma, nhưng sự quy kết này không chính xác. Về mặt tài chính công, cú sốc đầu tiên đối với nền kinh tế Nam Phi là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Số khác đánh giá cựu Tổng thống Zuma không chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính công và kinh tế yếu kém, nhưng điều này cũng không đúng. Lẽ ra, trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Zuma, hiệu suất kinh tế của Nam Phi đã có thể phục hồi ở mức cao hơn nhiều so với thực tế. Ngoài ra, thu ngân sách của chính phủ dường như đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất ổn về thể chế của Cơ quan thuế vụ Nam Phi.

Cuối cùng, sự suy giảm của các chỉ số kinh tế (tăng trưởng và việc làm), cộng với sự kém hiệu quả của việc thu ngân sách và tài chính công đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Ramaphosa thời kỳ mới nhậm chức. Thực tế đơn giản đó dường như là điều không thể tin được.

Sự suy giảm kinh tế thường bị quy kết là do các nguyên nhân trước thời điểm Tổng thống Ramaphosa kế nhiệm ông Jacob Zuma vào tháng 2/2018. Phải thừa nhận rằng Tổng thống Ramaphosa đã không thể tự cứu bản thân với việc đưa ra những cam kết, chẳng hạn như tạo việc làm - vốn nằm ngoài khả năng của Chính phủ. Nhận thức rõ tại sao các cam kết đó chưa chính xác là yếu tố quan trọng để quy trách nhiệm và đánh giá đúng nguyên nhân của hiện trạng, cũng như phương hướng tiếp theo đối với Nam Phi.

Thật không may, ngoài việc đổ lỗi, phần lớn các cuộc thảo luận chính sách chỉ bao gồm những bất đồng luẩn quẩn. Điều này có liên quan đến thời điểm chính phủ do đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền thông qua chiến lược “Tăng trưởng, việc làm và tái phân phối” (GEAR), vốn bị các đối tác thuộc liên minh cầm quyền phản đối và chỉ trích. Chiến lược GEAR chủ yếu nhằm giảm các mức nợ mà chính phủ dân chủ mới phải tiếp nhận từ chế độ phân biệt chủng tộc.

Các nhà bình luận cánh tả lâu nay ủng hộ chính sách tài khóa mở rộng, nghĩa là tăng đáng kể chi tiêu chính phủ. Nhóm này cũng đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” sau năm 2008. Điều này không hợp logic. Đầu tiên, sau năm 2008, Nam Phi thực sự đã áp dụng cách tiếp cận “ngược chu kỳ”: Chi tiêu chính phủ tăng nhanh hơn doanh thu - nguyên nhân dẫn đến nợ quốc gia bắt đầu leo thang.

Thứ hai, tăng chi tiêu chính phủ theo hướng đề xuất, dù theo kịch bản tốt nhất, là một chiến lược mang tính rủi ro rất cao. Trong bối cảnh tài chính công của Nam Phi đang ở tình trạng căng thẳng, việc tăng chi tiêu, vốn không mang lại tăng trưởng đáng kể về kinh tế và doanh thu thuế, sẽ dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về tài chính công. Điều đó có thể gây hại cho các thế hệ tương lai. Những rủi ro dường như lớn hơn lợi ích này sẽ không bao giờ được những người theo chủ nghĩa dân túy đề cập tới, bởi trường phái này chỉ đơn giản “nhại lại” những lập luận đã có từ các thời kỳ trước.

Thực tế là, mặc dù Kho bạc Nhà nước đã cố gắng duy trì chi tiêu của chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sau đó cố gắng ổn định mức nợ bằng cách sử dụng chính sách “củng cố tài chính”, nhưng điều đó cũng không thể mang lại hiệu quả.

Nền kinh tế không phục hồi và người ta quy kết nguyên nhân là do tình trạng tham nhũng có hệ thống và những thất bại của chính quyền dưới thời Tổng thống Zuma. Các mục tiêu về nợ công thường xuyên không đạt được. Đã có lúc, nợ của Chính phủ Nam Phi dự kiến sẽ ổn định dưới 45% GDP, nhưng hiện tại mức nợ này đã vượt quá 60% và có nguy cơ đạt ngưỡng 70% GDP trong vòng vài năm tới.

Các nhà kinh tế và giới chuyên gia tài chính công vẫn chưa đạt được đồng thuận về ngưỡng nợ công cụ thể có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, điều rõ ràng là tỷ số nợ công so với quy mô nền kinh tế càng cao thì rủi ro càng lớn. Điều này đặc biệt đúng khi tăng trưởng kinh tế mờ nhạt, và mức tăng trưởng thấp này đã diễn ra ở Nam Phi trong một số năm qua. Những diễn biến gần đây càng khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn.

Trong dự toán ngân sách 2019, Kho bạc Nhà nước Nam Phi chỉ ra rằng có thể cơ quan này sẽ buộc phải vượt trần chi tiêu lần đầu tiên để cung cấp cho Công ty điện lực quốc gia Eskom khoản cứu trợ 1,5 tỷ USD/năm trong vòng 10 năm tới. Biện pháp trên cần thực hiện ngay cả khi những kế hoạch khác đã được triển khai, bao gồm kế hoạch cắt giảm việc làm trong ngành dịch vụ công và các biện pháp thuế bổ sung.

Từ thời điểm đó, Cơ quan điều tiết năng lượng quốc gia (NERSA) đã cho phép Eskom được hưởng mức tăng thuế thấp hơn dự kiến. Chính phủ Nam Phi cũng đã đề xuất bổ sung để hỗ trợ Eskom thêm hơn 4 tỷ USD trong 2 năm tới. Chính phủ Nam Phi dường như sẽ không thể cắt giảm khoản tiền lớn như vậy ở các khu vực khác để bù đắp cho khoản chi này. Dù tiền được đổ vào Eskom, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy kế hoạch tổng thể nhằm ổn định tài chính của công ty này được đưa ra.

Trong khi đó, Nam Phi vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro tài chính khác. Tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm hầu như không đáng kể và cả 2 chỉ số này đều ở dưới mức tăng trưởng dân số. Điều này có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thu nhập đầu người sẽ giảm đi. Đối mặt với cuộc khủng hoảng Eskom về cả tài chính công và tăng trưởng kinh tế, cách duy nhất để vươn lên là bảo đảm đồng thuận xã hội.

Tổng thống Ramaphosa có những vũ khí riêng để đạt được “thỏa thuận xã hội” kiểu này nhưng người đứng đầu Chính phủ Nam Phi hành động quá chậm. Nguyên nhân một phần có thể là do cuộc chiến phe phái liên miên tại ANC và cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào Tổng thống Ramaphosa và các đồng minh thân cận của ông như Bộ trưởng Doanh nghiệp công Pravin Gordhan mà Cơ quan Thanh tra nước này đang tiến hành./.        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục