Kinh tế quý I: Tạo đà cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024
*Tận dụng hiệu quả của xuất khẩu
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 của nước ta là xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD, phản ánh vai trò và vị thế của kinh tế Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế. Điều này cũng phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc củng cố và thúc đẩy động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tạo sự ổn định vĩ mô thông qua gia tăng nguồn lực ngoại tệ trong bối cảnh giá trị đồng USD tăng, tạo thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, xuất siêu của nền kinh tế vẫn dựa vào khu vực FDI, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu. Bên cạnh đó, xuất siêu 3 tháng đầu năm do xuất khẩu rau quả và gạo vẫn tiếp được đà của quý 4 năm trước; ngành dệt may, da giầy đã có được đơn hàng mới đến hết tháng 6/2024. Tuy vậy những lợi thế này được nhận định khó duy trì trong cả năm 2024. Bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế có thêm sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước đạt 26,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,9% của khu vực FDI; tuy vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm gần 27,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất, nhập khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Cùng với đó, tiếp theo dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số, gấp 1,34 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của mặt hàng rau quả tăng 31%; mặt hàng nông sản (điều, cà phê, chè, hạt tiêu) tăng 31,4%; gạo tăng 44,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; dệt may tăng 7,9%; giày dép tăng 11,7%. Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5 %, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy vậy, theo đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 28,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 34,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này phản ánh hoạt động thương mại hàng hoá quốc tế của Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các cú sốc, những bất ổn kinh tế và điều chỉnh chính sách thương mại để hạn chế thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá của các đối tác thương mại này.*Phát huy động lực đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn FDI
Trong quý I/2024, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội cho phát triển, tạo không gian phát triển mới cho nền kinh tế. Do vậy, vốn đầu tư công thực hiện quý I ước đạt 97,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Với sự năng động trong cải cách môi trường thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện. Cùng với đó, Chính phủ đã nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết làm giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ. Những thế mạnh của nền kinh tế đã biến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến đáng đầu tư nhất. Trong quý I/2024 vốn FDI đăng ký đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI giải ngân rất tích cực, đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1%, tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết của họ tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế. Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2024 là số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước có 644 dự án được cấp phép, tăng 23,4%; với số vốn đăng ký đạt 4,77 tỷ USD, tăng 57,9%. Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo. *Cần làm gì để thực hiện thành công mục tiêu đã đặt ra? Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau: Một là, đầu tư công là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năm nay cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công… Hai là, với nền tảng chính trị xã hội ổn định và kinh tế phục hồi vững chắc đưa đến triển vọng tạo sự đột phá trong thu hút vốn FDI năm 2024 của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ; hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và quy định rõ, đơn giản các thủ tục liên quan tới quyền sử dụng đất; phòng cháy chữa cháy… Ba là, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu. Đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này. Bốn là, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng, Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho doanh nghiệp; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp. Năm là, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, làm thay đổi rất nhanh cấu trúc kinh tế thế giới. Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới. Chính phủ cần xác định cụ thể phải làm gì; tập trung đầu tư, phát triển ngành nào trong lĩnh vực công nghệ cao; có giải pháp phù hợp và thực thi hiệu quả để biến tiềm năng thành hiện thực, trở thành cường quốc trong xuất khẩu công nghệ cao. Sáu là, để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Dự báo, xây dựng kế hoạch, giải pháp cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, phù hợp, giữ ổn định vĩ mô; đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý. Từ đó, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm tác động đến mức sống của người dân.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Phát huy sức mạnh của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế
15:06' - 26/03/2024
Tăng trưởng GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, mục tiêu này không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023...
-
Phân tích - Dự báo
Làn sóng đình công ở Đức liệu có kìm hãm tăng trưởng kinh tế?
05:30' - 21/03/2024
Các cuộc đình công của giới công nhân Đức đang lan rộng, gây ra những lo ngại về những tác động rộng lớn hơn đối với nền kinh tế Đức.
-
Kinh tế Việt Nam
Logistics dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Hải Phòng
10:47' - 05/03/2024
Thành phố Hải Phòng đã và đang nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế đặc biệt là "cửa chính ra biển" đối với cả miền Bắc, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển có dịch vụ logistics hiện đại.
-
Ý kiến và Bình luận
Moody's nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Ấn Độ
06:30' - 05/03/2024
Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody's ngày 4/3 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm 2024 lên 6,8%, từ mức 6,1% dự báo trước đó.
-
Phân tích - Dự báo
Bài học về chuyển đổi đầu tư trực tiếp nước ngoài thành tăng trưởng kinh tế
05:30' - 03/03/2024
Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng FDI có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển bằng cách mang đến những kỹ năng quan trọng, mở rộng sản xuất địa phương và tạo công ăn việc làm.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Giải ngân vốn đầu tư công vào chặng đua nước rút
10:18'
“Tăng tốc” để về đích là cụm từ được nhiều địa phương trong cả nước hô hào để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam- Ba Lan: Nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại
09:33'
Quan hệ thương mại Việt Nam- Ba Lan không ngừng phát triển song hành với thành tựu trong phát triển kinh tế mỗi nước. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan tăng mạnh trong những năm gần đây.
-
Kinh tế Việt Nam
Gỡ khó khăn cho các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước
08:10'
Thời gian tới tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin
20:18' - 14/01/2025
Chiều 14/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-15/1.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm Thủ tướng Liên bang Nga
20:02' - 14/01/2025
Chiều 14/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Mikhail Mishustin.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
20:01' - 14/01/2025
Chiều 14/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp thân mật Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa dịch vụ chuỗi cung ứng logistics
18:54' - 14/01/2025
Một trong những giải pháp để tiếp tục khai thác dư địa phát triển ngành logistics được thành phố đề ra là chuyển đổi số, ứng dụng số.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngân hàng thúc giải ngân vốn tín dụng ngay từ đầu năm
17:57' - 14/01/2025
Ngay từ đầu năm 2025, một số ngân hàng đã tung các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu tín dụng trong giai đoạn cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán.
-
Kinh tế Việt Nam
Vận hành tối đa công suất để lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân
17:48' - 14/01/2025
Các công trình thủy lợi đang thực hiện tốt, đúng theo kế hoạch lấy nước. Tuy nhiên, một số vùng còn khó khăn trong việc lấy nước như khu vực Hà Nam, Hải Dương và Hải Phòng...