Kinh tế toàn cầu bấp bênh khi xung đột gia tăng

17:56' - 31/10/2023
BNEWS Trong lúc các nền kinh tế tăng trưởng vẫn còn khá thấp và không đồng đều, triển vọng kinh tế thế giới đang đối mặt với thách thức mới đến từ xung đột đang diễn ra tại Trung Đông.

Một cuộc xung đột kéo dài và lan rộng tại khu vực này tiềm ẩn rủi ro về một cú sốc năng lượng, thổi bùng lạm phát trở lại sau những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas có thể là trở ngại lớn đối với kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh thế giới đang ở trong thời điểm "rất nguy hiểm".

Xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột kéo dài trong khu vực và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới.

Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới công bố, WB nhận định giá dầu toàn cầu trung bình ở mức 90 USD/thùng trong quý IV/2023 và giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng năm nay, khi tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cảnh báo căng thẳng ở Trung Đông leo thang có thể dẫn đến cú sốc giá dầu và các sản phẩm nông nghiệp, nếu xung đột lan ra toàn khu vực.

Theo nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB, tình hình tại Dải Gaza, xung đột ở Ukraine đang khiến xung đột trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng này nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng vì nếu xung đột tiếp tục leo thang, kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu đối mặt với cú sốc năng lượng kép trong nhiều thập kỷ, cả từ xung đột tại Ukraine lẫn xung đột tại Trung Đông.

Báo cáo trên cho thấy, giá dầu đã tăng 6% kể từ khi xung đột xảy ra tại Dải Gaza, trong khi giá các mặt hàng nông nghiệp, kim loại và các hàng hóa khác hầu như không biến động. Dựa trên lịch sử các cuộc xung đột khu vực từ những năm 1970, báo cáo của WB đã đưa ra dự báo về ba kịch bản với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

Trong viễn cảnh lạc quan với tác động tương tự như tình hình tại Libya năm 2011, giá dầu có thể tăng 3-13% lên 93-102 USD/thùng. Với nguy cơ gián đoạn ở mức trung bình như trong diễn biến tại Iraq năm 2003, giá dầu có thể tăng lên 109-121 USD/thùng. Còn trong kịch bản nghiêm trọng nhất, giá dầu có thể đạt đỉnh 140-157 USD/thùng, có thể vượt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tại hội nghị mùa Thu của IMF và WB tại Marrakech, Morocco trong tháng 10, Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, cũng bày tỏ quan ngại rằng cuộc xung đột tại Trung Đông làm gia tăng bất ổn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, bà Petya Koeva Brooks, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn khá thấp và không đồng đều, và có rất nhiều nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng.

Bà Brooks cho rằng còn quá sớm để xác định được ảnh hưởng của xung đột giữa Israel và Hamas, nhưng IMF đang theo dõi sát diễn biến tại Israel để xem liệu tình hình xung đột này có tác động đến lạm phát toàn cầu hay không. Dù lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, nhưng việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh do xung đột tại Israel đang có nguy cơ thổi bùng lạm phát trở lại nếu đà tăng giá này kéo dài. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/10, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3% trong năm nay, không thay đổi so với với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Bảy. Nhưng IMF đã hạ 0,1 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng của năm 2024 xuống 2,9%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục