Kinh tế Trung Đông trong kịch bản hậu COVID-19

05:30' - 18/02/2021
BNEWS Mạng tin Al-Monitor mới đây đăng bài phân tích trong đó nhận định khu vực Trung Đông đang phải chịu tác động nặng nề từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đại dịch được dự báo sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, song một số nền kinh tế như Ai Cập và Saudi Arabia đã cho thấy năng lực thích ứng tốt hơn với tình hình mới. Nội dung bài viết như sau:

* Triển vọng sáng của kinh tế toàn cầu

Báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tuần qua đã phát đi tín hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 có thể đến sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với dự tính trước đó chỉ ba tháng.

IMF cho rằng kinh tế toàn cầu đã sụt giảm 3,5% trong năm 2020, cải thiện đáng kể so với mức dự báo giảm 4,4% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Mức tăng trưởng dự kiến của kinh tế thế giới năm 2021 là 5,5%, cao hơn so với mức dự báo tăng 5,1% trước đó.

Triển vọng khả quan này dựa trên những kỳ vọng trong hoạt động kinh tế giai đoạn cuối năm nay khi sẽ có thêm nhiều người được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Một lý do khác là sự chuyển biến mạnh mẽ diễn ra ở Mỹ, bắt đầu từ nửa cuối năm 2020. Kinh tế Mỹ ước giảm 3,4% năm 2020, cải thiện hơn so với mức dự kiến giảm 4,3% trước đó.

Nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt 5,1% trong năm 2021, tăng 2 điểm phần trăm so với dự báo tương ứng vào tháng 10 năm ngoái.

Tờ Wall Street Journal trong bài báo cuối tuần qua từng khẳng định rằng kinh tế Mỹ đang trong thời kỳ "sẵn sàng tăng trưởng" và sẽ tạo nên “cú hích” vào cuối năm nay.

Tiếp sau đó là Trung Quốc, khi tăng trưởng kinh tế của nước này ước tính đạt 2,3% năm 2020 và lên tới 8,1% vào năm 2021.

IMF nhận định kết quả tích cực của Trung Quốc là nhờ chính phủ nước này đã hỗ trợ chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng công cộng, bên cạnh các động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) để hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo nguồn cung tín dụng mạnh mẽ, cũng như gia tăng đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, các xu hướng cũng chỉ ra rằng khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ lớn hơn giai đoạn hậu COVID-19, và sẽ làm đảo ngược những thành quả mà thế giới đã vất vả đạt được trong xóa đói giảm nghèo toàn cầu, khi sẽ có thêm 90 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.

* Trung Đông hậu COVID-19

Khu vực Trung Đông và Trung Á, giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, đã cho thấy những tín hiệu phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2020, thu hẹp mức độ suy giảm tăng trưởng từ giảm 4,1% xuống còn giảm 3,2%, đồng thời dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay.

Trong khi báo cáo của IMF chỉ ra rằng các nhà xuất khẩu dầu mỏ và các nền kinh tế dựa vào du lịch phải đối mặt với kịch bản đặc biệt khó khăn do tiến trình bình thường hóa du lịch xuyên biên giới dự kiến chậm lại và triển vọng giá dầu thấp, tác động thực tế đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt như Saudi Arabia lại không quá tiêu cực như dự báo trước đó, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động phi dầu mỏ.

Ngoài Lebanon, quá trình chuyển đổi kinh tế dự kiến sẽ diễn ra ở Iraq, Sudan và Oman, trong khi xung đột kéo dài để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế như Syria, Yemen và Libya.

Đối với khu vực vùng Vịnh, sự phục hồi kinh tế cuối cùng sẽ vẫn phụ thuộc vào cách các nhà sản xuất dầu mỏ thích ứng với sự thay đổi của thị trường năng lượng toàn cầu, dẫn đầu là Mỹ. Nguồn thu dầu mỏ của các nền kinh tế Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã bị “tàn phá”  do mất cân đối cán cân cung-cầu, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển sang các tài nguyên năng lượng thay thế.

Cách duy nhất để các quốc gia khu vực thích ứng với tình hình mới là áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt hơn và thu hút thêm những nguồn đầu tư mới.

Cho đến nay, Saudi Arabia đã ứng phó với đại dịch COVID-19 tốt hơn dự kiến. Mức độ suy giảm tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2020 đã thu hẹp từ giảm 5,4% xuống còn giảm 3,9%, và có thể tăng trưởng 2,6% năm 2021.

Dự án thành phố tương lai NEOM, một phần của kế hoạch Tầm nhìn 2030, có thể trở thành điểm nhấn và biến Saudi Arabia trở thành một đầu mối giao thương trong khu vực như Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

* Câu chuyện thành công của Ai Cập

Một ví dụ điển hình khác là Ai Cập khi quốc gia này được coi là thành công trong đối phó với đại dịch COVID-19. Trong khi phần còn lại của khu vực chịu tác động nặng nề từ đại dịch, Ai Cập là quốc gia duy nhất ở Trung Đông và Bắc Phi ghi nhận mức tăng trưởng dương.

IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này dự kiến sẽ tăng 2,8% trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc cuối tháng 6/2021), bất chấp dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch và nguồn kiều hối của Ai Cập.

Báo cáo đánh giá Chính quyền Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã thực hiện "các biện pháp chủ động" để giải quyết nhu cầu y tế và xã hội nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng những thành quả của Ai Cập vừa đáng chú ý song cũng rất mong manh trước những rủi ro và sự không chắc chắn từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh.

IMF khuyến cáo Ai Cập cần đi đúng hướng để tiến hành tái cơ cấu, bao gồm hỗ trợ khu vực tư nhân và minh bạch hơn trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Bài học của Ai Cập là đặc biệt đáng chú ý khi Lebanon, Iraq và Sudan cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ IMF.

Tuy nhiên, chương trình cải cách này thường đi kèm quy định “thắt lưng buộc bụng” và cắt giảm trợ cấp, vốn là điều cần thiết về dài hạn, song trong ngắn hạn lại gây ra những hệ lụy kinh tế đối với những người dân đang quay cuồng với các điều kiện kinh tế yếu kém và tác động của đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục