Kinh tế Trung Quốc liệu có thể “cai nghiện” than đá?

06:30' - 15/11/2021
BNEWS Ông Hoàng Hiểu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Năng lượng Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ không thể giảm sự lệ thuộc vào than trong thập kỷ tới.
Kinh tế Trung Quốc liệu có thể “cai nghiện” than đá? Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Tháng 10/2021, Trung Quốc nhập khẩu gần gấp đôi lượng than so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 26,9 triệu tấn, theo thống kê của cơ quan hải quan nước này.

Trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá đang đến gần, Tổng công ty Điện lưới Nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hoặc ít nhất là phải cung cấp điện với số lượng hạn chế.

Một số nhà phân tích cho rằng xét về nhịp độ tăng tiêu thụ năng lượng song hành với phân tích doanh thu vận tải hàng hóa và khối lượng tín dụng có thể sẽ cho ra những kết quả chính xác hơn nhiều trong việc đánh giá đà phát triển kinh tế so với cách sử dụng những thước đo truyền thống để tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cũng như nhiều nước công nghiệp phát triển khác, điện đối với Trung Quốc là nguồn lực quan trọng nhất để đảm bảo duy trì hoạt động và phát triển sản xuất không gián đoạn.

* Lý do thiếu điện

Mùa Thu năm nay, Trung Quốc cũng như nhiều nước khác phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, điều kiện thời tiết bất thường cũng như thiên tai đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện từ các nguồn thay thế.

Thứ hai, quá trình chuyển đổi nhanh chóng quá mức sang năng lượng tái tạo gắn liền với từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, cụ thể là than đá, đã dẫn đến sự mất cân bằng cung-cầu đối với các phương tiện chuyên chở năng lượng.

Khi năng lượng thay thế không thể đáp ứng, nội lực để khai thác nhiên liệu truyền thống lại không đủ, hậu quả là giá dầu, khí đốt, than đá đều tăng vọt.

Có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng trên thực tế đang có những tác động vượt qua cuộc khủng hoảng trước đó do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngành công nghiệp của một số nước, trong đó có Trung Quốc, bắt đầu phục hồi rất nhanh. Nhưng do tốc độ “bình phục” diễn ra không đồng đều, các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị hạn chế nghiêm trọng.

Gián đoạn nguồn cung, thiếu hụt container, tàu thủy, thậm chí cả không đủ tài xế xe tải, tất cả đã làm phức tạp tình hình, trong đó có khâu cung cấp nhiên liệu.

Hậu quả là mùa Thu năm nay, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng. Tại nhiều vùng thậm chí đã phải đưa ra định mức tiêu thụ năng lượng. Các doanh nghiệp buộc phải giảm khối lượng sản xuất, chuyển sang hoạt động vào ban đêm để tránh quá tải lưới điện, thậm chí ngừng sản xuất hoàn toàn.

Mặc dù tình hình bây giờ đã dần ổn định, các biện pháp tích cực của chính phủ nhằm hợp lý hóa giá năng lượng, chống hoạt động đầu cơ và tăng sản lượng khai thác than trong nước đã phát huy tác dụng, song Tổng công ty Điện lưới Nhà nước Trung Quốc vẫn cảnh báo về tình trạng cân bằng cung-cầu năng lượng cực kỳ mong manh trong mùa sưởi ấm này.

Ông Hoàng Hiểu Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Năng lượng Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik rằng có vẻ là trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ không thể giảm mức lệ thuộc vào than với nhịp độ đã tính toán trước đây.

* Đa dạng hóa nguồn năng lượng

Ngoài than đá, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu các nguồn năng lượng khác. Nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống “sức mạnh Siberia” đã lên tới 7,1 tỷ m3 khí đốt, tức là vượt các cam kết ban đầu về mức cung cấp “nhiên liệu xanh” hàng ngày.

Nhìn chung, khối lượng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong tháng 1-10/2021 tăng 22,3% hàng năm và lên tới 99 triệu tấn. Trung Quốc cũng dành chú ý cho việc tăng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Tuần trước, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec đã ký hợp đồng 20 năm với công ty Mỹ Venture Global LNG để cung cấp 4 triệu tấn LNG mỗi năm.

Theo lời chuyên gia Hoàng Hiểu Dũng, tỷ lệ khí đốt tiêu thụ của Trung Quốc theo thời gian sẽ chỉ tăng thêm: “Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc hiện tại, hệ số tiêu thụ khí đốt tự nhiên đứng thứ ba, chỉ sau than đá và dầu mỏ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiêu thụ khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn và trung hạn. Không còn nghi ngờ gì, khí tự nhiên chắc chắn sẽ thay thế một phần than trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không nhanh như vậy. Ngoài ra, cũng có dự kiến phát triển các nguồn năng lượng thay thế khác, bao gồm điện Mặt Trời và phong điện”.

Trung Quốc đã cam kết trách nhiệm đạt thành tựu phát thải mức cao nhất trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2060. Tất nhiên trong trường hợp này, ưu tiên hàng đầu phải là từ bỏ than và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than, chiếm tới 52% trong cán cân năng lượng, kế hoạch 5 năm hiện tại tính đến năm 2025 của nước này đang hướng đến việc giảm tỷ trọng than và tăng tỷ trọng nhiên liệu phi hóa thạch trong cán cân năng lượng lên 20%.

Là một trong ba “trận chiến cam go” cùng với đấu tranh chống đói nghèo và rủi ro tài chính, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường đang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Do đó, không loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ buộc phải cậy nhờ vào nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu nội tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục