Kon Tum cần hơn 624 tỷ đồng để cấp điện 3 pha cho sản xuất nông nghiệp

06:30' - 29/08/2023
BNEWS Theo PC Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 182 khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu dân cư cần cấp điện 3 pha để phục vụ sản xuất với tổng số tiền cần thiết lên hơn 624 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum), hiện nay, toàn tỉnh có 182 khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu dân cư cần cấp điện 3 pha, phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất. Tổng số tiền phục vụ cho việc cấp điện 3 pha này là trên 624 tỷ đồng, vượt quá nhiều lần khả năng huy động vốn hàng năm của PC Kon Tum. Vì vậy, PC Kon Tum và Sở Công Thương tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh Kon Tum có văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quan tâm, xem xét, cân đối nguồn vốn đầu tư theo lộ trình từ nay đến năm 2030.

 
Cụ thể, 182 khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu vực dân cư cần cấp điện 3 pha của tỉnh Kon Tum có tổng diện tích hơn 9.600 ha, chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau màu… Để cấp điện cho tất cả 182 khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu dân cư này, đòi hỏi quy mô và chi phí đầu tư rất lớn. Các hạng mục cần phải đầu tư như: cải tạo và xây dựng mới khoảng 267 km đường dây trung áp, 366 km đường dây hạ áp, 219 trạm biến áp 3 pha có tổng dung lượng 51.820 kVA. Qua tính toán của PC Kon Tum, tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 624 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, số tiền đầu tư vượt quá nhiều lần khả năng huy động vốn hàng năm của PC Kon Tum. Trong khi đó, dự án đầu tư cần phải tính toán hiệu quả đầu tư theo quy định. Tổng số vốn đầu tư hàng năm của công ty chỉ có 30% là vốn khấu hao cơ bản của ngành, 70% còn lại là vốn vay các ngân hàng thương mại. Dự án đầu tư không đạt hiệu quả thì sẽ không vay được vốn để triển khai thực hiện.

“PC Kon Tum và Sở Công Thương đã tiến hành rà soát, đề ra tiêu chí và lập danh mục ưu tiên đầu tư lưới điện 3 pha cho các khu sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, các vùng chuyên canh cà phê, cây ăn quả được địa phương đưa vào quy hoạch. Các khu vực được quy hoạch là những nơi sản xuất lâu dài, ổn định, có nhu cầu sử dụng điện thường xuyên, liên tục, là cơ sở để xem xét, dự kiến phương án đầu tư lưới điện. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quan tâm, xem xét, cân đối nguồn vốn đầu tư theo lộ trình từ nay đến năm 2030”, ông Đỗ Văn Giáp chia sẻ.

Phó Giám đốc PC Kon Tum cũng phân tích, do điều kiện quy định về việc huy động vốn vay ngân hàng thương mại nên PC Kon Tum và EVNCPC chỉ có thể cân đối được một phần nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư xây dựng hàng năm để ưu tiên đầu tư lưới điện 3 pha cho một số khu sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nếu dự án cấp điện đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, để bảo đảm nhu cầu cấp điện, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa và sự vào cuộc của các cấp, các ngành theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm là rất cần thiết.

Thực tế, việc đầu tư hệ thống lưới điện 3 pha là rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp của người dân tại các khu sản xuất. Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, toàn huyện có 92 khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu vực dân cư cần cấp điện 3 pha, với tổng diện tích gần 4.300 ha.

Trong những năm qua, người dân trên địa bàn huyện chủ yếu sử dụng máy dầu để bơm, tưới cho diện tích canh tác nông nghiệp trên các khu sản xuất này. Tuy nhiên, việc sử dụng máy dầu khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nếu chuyển qua sử dụng máy bơm nước bằng điện, mỗi năm người dân sẽ tiết kiệm được bình quân 10 triệu đồng/ha.

Anh Vũ Tiến Hùng, nông dân canh tác tại khu sản xuất thuộc cánh đồng Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà cũng có chung quan điểm. Anh cho biết, để tiết kiệm chi phí, gia đình anh đã chủ động kéo điện để phục vụ tưới cho 1 ha cà phê của gia đình từ 2 năm nay. Sau khi sử dụng hệ thống điện để tưới, chi phí đã giảm đi đáng kể.

“Tôi và một số hộ dân khác tự lắp nhưng do hệ thống điện yếu nên thường xuyên bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm. Nếu bây giờ nhà nước lắp điện 3 pha để phục vụ tưới tiêu thì bà con nông dân chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ”, anh Hùng cho biết thêm.

Trước đó, giữa tháng 7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khóa XII ban hành Nghị quyết số 45/NQ-HĐND về nội dung cung cấp điện cho sản xuất nông nghiệp ngoài khu vực dân cư. Thực hiện Nghị quyết, Công ty Điện lực Kon Tum đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, khảo sát nhu cầu cấp điện 3 pha cho các khu sản xuất nông nghiệp ngoài khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Sở Công Thương đề xuất giải pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục