Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý

12:14' - 01/06/2017
BNEWS Sáng 1/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp

 Dự thảo Luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

* Thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động trợ giúp pháp lý

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội đã làm rõ những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành và các luật liên quan, luật hóa các quy định hiện hành đang được thực hiện có kết quả.

Đồng thời bổ sung những quy định nhằm đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng xã hội hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Toàn cảnh họp phiên toàn thể. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh vẫn giữ như dự thảo Luật: quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý nhiều điều khoản để quy định rõ hơn về phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý và các hình thức trợ giúp pháp lý như trong dự thảo Luật.

Đối với quy định về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, nhiều ý kiến tán thành với nội dung quy định này trong dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

Vấn đề này, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước.

Việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết. Tuy nhiên, trợ giúp pháp lý đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định.

Với tinh thần đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Điều 25) để huy động những người có kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm pháp luật, có điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp.

Đồng thời, quy định giảm số năm kinh nghiệm về tư vấn pháp luật của Tư vấn viên pháp luật là thành viên tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ năm năm còn hai năm (điểm c, khoản 1 Điều 19); quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện.

Cụ thể, luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng tất cả các hình thức; tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Về các biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động trợ giúp pháp lý, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý” (khoản 4 Điều 4); thông qua đó uy tín nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân được nâng cao, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

* Bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng, hiệu quả

Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm tới quy định tại Điều 7 về người được trợ giúp pháp lý. Dự thảo Luật quy định cụ thể về 7 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này thể hiện chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc tạo điều kiện cho những người yếu thế được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thông qua việc sử dụng trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp, tin cậy và kịp thời.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa ) đánh giá theo quy định như Điều 7 của dự thảo, diện người được trợ giúp pháp lý sẽ bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành.

Cụ thể, điểm b,d,e khoản 7 quy định: "Người khuyết tật", "Nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người", "Nạn nhân trong vụ bạo lực gia đình" nhưng phải có khó khăn về tài chính là không khả thi. Cần có tiêu chí hoặc nguyên tắc quy định thế nào là khó khăn về tài chính, Chính phủ mới hướng dẫn được - đại biểu nêu.

Đồng thời, theo đại biểu Thủy, quy định này không thu hút được tất cả những người được trợ giúp pháp lý đã được quy định tại Điều 4 Luật Người khuyết tật, Khoản 1 Điều 36 Luật Phòng, chống mua bán người, Khoản 1 (Điều 5) Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của các đối tượng này mà không cần phân biệt họ có khó khăn về tài chính hay không.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên quy định các trường hợp người được trợ giúp pháp lý theo pháp luật hiện hành.

Đề nghị cân nhắc khoản 4 Điều 7, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phân tích mục tiêu của chính sách này là nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội đối với người dân ở địa bàn là "lõi nghèo" nhất về trình độ phát triển.

Tuy nhiên quy định như dự thảo Luật hàm ý hai điều kiện "phải là người dân tộc thiểu số", "phải có hộ khẩu thường trú", tức là loại trừ quyền được trợ giúp pháp lý của những người "không có hộ khẩu thường trú" hoặc "không phải người dân tộc thiểu số".

Điều này không phù hợp với điều cấm "lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân" tại khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú, đồng thời tạo ra sự phân biệt đối xử không phù hợp với quan điểm, đường lối về công tác dân tộc.

Từ phân tích này, đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 4 Điều 7 thành "Người cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ" hoặc "theo quy định của pháp luật" để có độ dự liệu rộng hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Nhìn nhận đây là chế định rất quan trọng, càng mở rộng nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý càng tốt, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại có quan điểm khác.

Tranh luận lại với những ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, đại biểu nêu quan điểm mở rộng đến đâu cần phải có căn cứ, nguồn lực, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tế đất nước. "Trước đây, ta có nguồn lực nước ngoài hỗ trợ rất nhiều.

Từ khi nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn hỗ trợ rất hạn chế, vì vậy việc mở rộng đến đâu cần phải nghiên cứu thật cẩn thận, đảm bảo nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý".

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tán thành với phạm vi người được trợ giúp pháp lý như dự thảo Điều 7 bởi phạm vi đối tượng này đã được đánh giá tác động về tính khả thi, nguồn lực đảm bảo.

Theo đó, nếu như theo phương án trong dự thảo, số lượng người được trợ giúp pháp lý dự kiến là hơn 20 nghìn người và với kinh phí dự kiến là 155 tỷ đồng. Nếu mở rộng, số lượng này tăng lên gấp đôi. Hơn nữa, đại biểu thấy rằng những quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý tại Điều 7 đã được kế thừa luật hiện hành và các luật liên quan.

Bên cạnh việc bớt đi vài đối tượng nhưng về tổng thể lại bổ sung thêm nhiều đối tượng mới chưa được quy định tại Luật hiện hành như người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi.

Việc quy định người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí: thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm kế thừa quy định trong Luật hiện hành các đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, các luật khác và văn bản dưới luật có liên quan, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;

đồng thời bổ sung thêm hai nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính) được trợ giúp pháp lý (Điều 7).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định về người được trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý một cách có chất lượng, hiệu quả.

Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật Trợ giúp pháp lý.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp hợp lý để hoàn thiện dự thảo Luật với mục đích phải khắc phục cho được những bất cập của luật hiện hành, đồng thời nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý.

Ngay sau buổi họp này, các cơ quan hữu quan sẽ hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua.

Chiều nay, Quốc hội nghe Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận tại Tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.

Xem thêm:

>>Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Hoàng hậu Hà Lan

>>Bên lề Quốc hội khóa XIV: Đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bồi thường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục