Lạm phát cao trên toàn cầu đe dọa sự phục hồi kinh tế của Singapore

05:30' - 26/11/2021
BNEWS Singapore nhập khẩu gần như mọi thứ nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tất cả các mặt hàng trong tháng Chín đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm qua tại “đảo quốc sư tử”.
Theo bài viết trên báo The Straits Times ngày 23/11, khi giá tiêu dùng tiếp tục tăng trên toàn thế giới, môi trường lạm phát cao hơn đang đe dọa trở thành di sản lâu dài của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tác động tổng hợp của các biện pháp hạn chế phòng dịch kéo dài và những gói kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có đã làm đảo lộn sự cân bằng cung-cầu tốt đẹp trên toàn thế giới, và khiến các nhà hoạch định chính sách không quyết định được giai đoạn lạm phát tạm thời này sẽ như thế nào. 

Các hạn chế đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tắc nghẽn cảng, đẩy giá của mọi thứ từ năng lượng đến thực phẩm và đầu vào của hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, dòng tiền từ các gói kích thích và hỗ trợ vẫn đang chảy trong nền kinh tế, giữ cho nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên.

Giá dầu ở New York gần đây đã chạm mức cao nhất trong 7 năm, trong khi giá lúa mỳ ở Chicago hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong 9 năm.

Giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng Mười tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Và mặc dù tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã chậm lại trong những tháng gần đây, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng Mười – chỉ số phản ánh chi phí đầu vào công nghiệp – đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/1995.

Singapore nhập khẩu gần như mọi thứ mà người dân nước này tiêu dùng, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tất cả các mặt hàng trong tháng Chín đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong 8 năm qua tại “đảo quốc sư tử”.

* Tại sao lạm phát lại quan trọng?

Mức lạm phát vừa phải thường đi kèm với tăng trưởng kinh tế, và được cho là có lợi. Chỉ số này khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, giá cả tăng ổn định cũng có thể mang lại các mức lương và cơ hội việc làm cao hơn.

Tuy nhiên, lạm phát quá cao có thể khiến người tiêu dùng sợ hãi rời bỏ các trung tâm mua sắm, trong khi các doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại khi doanh số bán hàng giảm. Ngay cả khi giá cả tăng từng chút nhưng diễn ra trong một thời gian dài, người tiêu dùng có thể quyết định hoãn mua sắm các mặt hàng như ô tô mới hay tivi màn hình phẳng mới nhất cho đến khi chu kỳ giá có lợi cho họ.

Các chuyên gia kinh tế gọi hiện tượng này là sự kỳ vọng lạm phát và coi đây là hiện tượng khó quản lý hơn bằng các biện pháp chính sách như tăng lãi suất.

* Điều gì ở phía trước?

Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đang lo lắng khi chỉ số giá tăng cao ngày càng phản ánh xu hướng lạm phát mở rộng ra ngoài lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ liên quan đến việc mở cửa nền kinh tế. Nếu lạm phát tiếp tục mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn, những dự báo về giá cả cao hơn khó có thể thay đổi.

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân chính của lạm phát có liên quan đến sự đứt gãy do dịch bệnh COVID-19 gây ra, thì việc rút sớm các biện pháp kích thích kinh tế - cả tài khóa lẫn tiền tệ - đều sẽ kiềm hãm sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng việc làm. Do đó, phản ứng tiền tệ đối với lạm phát là khác nhau trên toàn cầu.

Ví dụ, Hàn Quốc và New Zealand dự kiến sẽ tăng lãi suất tiêu chuẩn trong tuần này. Nhưng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất trên thế giới, đã quyết định không tăng lãi suất vào thời điểm này. Tuy nhiên, Fed sẽ bắt đầu giảm quy mô các gói kích thích bằng việc giảm mua trái phiếu – động thái nhằm giữ cho lợi suất trái phiếu thấp.

Nền kinh tế mở và chính sách tiền tệ lấy tỷ giá hối đoái làm trung tâm của Singapore có nghĩa là lãi suất trong nước thay đổi song song với lãi suất toàn cầu và thường thấp hơn một chút so với lãi suất của Mỹ.

Các hoạt động của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS – Ngân hàng trung ương) trên thị trường tiền tệ nhằm mục đích đảm bảo có đủ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và giảm thiểu rủi ro do biến động lãi suất mạnh gây ra. Tuy nhiên, tháng Mười vừa qua, MAS đã chấm dứt lập trường nới lỏng kéo dài 19 tháng và nâng nhẹ độ dốc của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái danh nghĩa của đồng đôla Singapore (SGD) từ mức 0% trước đó. Theo nguyên tắc chung, một đồng nội tệ mạnh sẽ giúp nhập khẩu rẻ hơn.

Mặc dù chính sách tiếp theo của MAS dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 4/2022, nhưng ngân hàng trung ương Singapore cho biết, họ sẵn sàng siết chặt chính sách hơn nữa nếu nhận thấy lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Singapore ông Lawrence Wong gần đây cho biết, chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ các điều kiện kinh tế hiện hành, trong đó có triển vọng lạm phát, để quyết định thời điểm tăng Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), vốn dự kiến diễn ra từ năm 2022-2025./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục