Thách thức và giải pháp khi thị trường lao động Singapore phục hồi không đồng đều

05:30' - 13/11/2021
BNEWS Sự thiếu hụt lao động nhập cư trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và lau dọn vệ sinh cũng đã cản trở các nỗ lực của Chính phủ Singapore trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong bài viết đăng trên báo The Business Times ngày 9/11, chuyên gia kinh tế Justin Lim thuộc Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng và không đồng đều đến thị trường lao động ở Singapore, với tỷ lệ tuyển dụng việc làm giảm kỷ lục trong năm 2020 và tiếp tục yếu đi vào năm 2021.

Tác động là đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành bán lẻ liên quan đến đi lại và ăn uống. Tác động nghiêm trọng hơn được cảm nhận ở những người thu nhập thấp như nhân viên văn phòng, bán hàng và lao động dịch vụ do mức độ tập trung cao của nhóm lao động này trong những lĩnh vực đó.

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, Chính phủ Singapore đã cam kết đầu tư hơn 36 tỷ SGD (26,47 tỷ USD) trong 18 tháng qua để ngăn chặn tình trạng mất việc làm trên diện rộng, nhanh chóng sắp xếp việc làm và thúc đẩy việc thuê lao động địa phương. Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định và thúc đẩy sự phục hồi trong tuyển dụng lao động địa phương.

Đáng chú ý, Sáng kiến Tăng trưởng Việc làm (JGI), một chương trình khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương thông qua trợ cấp tiền lương, đã hỗ trợ việc thuê gần 400.000 lao động địa phương tính đến tháng 5/2021.

Kết quả của sự hỗ trợ tài chính lớn và toàn diện là tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã không tăng mạnh và có xu hướng giảm khá nhanh từ mức cao nhất là 3,5% hồi tháng 9/2020.

* Bốn thách thức then chốt

Mặc dù vậy, bất chấp những tiến bộ đáng kể đã đạt được, một số vấn đề liên quan cần được giải quyết trong thời gian tới. Theo nghiên cứu trong Báo cáo Tham vấn thường niên về Singapore 2021 của AMRO, có 4 thách thức then chốt mà chính phủ, doanh nghiệp và người lao động nước này cần theo dõi chặt chẽ.

Thứ nhất, bất chấp nền kinh tế Singapore đang được cải thiện, một số đối tượng lao động sẽ phải đối mặt với triển vọng việc làm ngày càng giảm sút do kỹ năng của họ ngày càng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Tỷ lệ tuyển dụng việc làm ở Singapore hiện đã ở mức cao kỷ lục - cứ 100 người thất nghiệp thì có 163 cơ hội việc làm được tạo ra, phản ánh sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu được cải thiện đối với người lao động nước này. Tuy nhiên, tổng số lao động thất nghiệp dài hạn từ 40 tuổi trở lên lại ở mức gần 16.000 người tính đến tháng 6/2021 và vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Do đó, người lao động không có đủ kỹ năng vẫn có thể bị thất nghiệp trong một thời gian dài hơn, từ đó dẫn đến khả năng làm trầm trọng thêm sự phục hồi không đồng đều của thị trường lao động Singapore.

Thứ hai, sự tắc nghẽn trong nguồn nhân lực nước ngoài có thể cản trở đà phục hồi trong một vài lĩnh vực. Đặc biệt, do các biện pháp hạn chế biên giới nghiêm ngặt, các nhà thầu không thể thuê đủ số lao động nước ngoài mà họ cần và lực lượng lao động nhỏ hơn trong lĩnh vực xây dựng. Điều này dẫn đến những sự trì hoãn trong việc hoàn thành các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng then chốt.

Sự thiếu hụt lao động nhập cư trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và lau dọn vệ sinh cũng đã cản trở các nỗ lực của Chính phủ Singapore trong việc mở cửa trở lại an toàn nền kinh tế.

Sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong các lĩnh vực chủ chốt sẽ không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân Singapore mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp toàn cầu then chốt của nước này, trong đó có lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Thứ ba, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà điều hành và kỹ thuật viên (PMET) có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn khi các công ty bắt đầu chuyển hoạt động gia công sản phẩm ra nước ngoài thông qua phương tiện kỹ thuật số và trong bối cảnh xuất hiện xu hướng ngày càng phổ biến là làm việc từ xa và sắp xếp làm việc linh hoạt.

Xu hướng chuyển gia công sản phẩm ra nước ngoài đã được tăng cường, được thể hiện qua tỷ lệ nhập khẩu ngày càng tăng của một số dịch vụ kinh doanh trong hai thập kỷ qua. Các dịch vụ đó bao gồm kế toán, quảng cáo và nghiên cứu thị trường, kiến trúc, quản lý doanh nghiệp, kỹ thuật và pháp lý.

Điều này có khả năng làm tăng tốc và tiếp tục đè nặng lên triển vọng việc làm của PMET trong điều kiện bình thường mới.

Thứ tư, những người không thuộc PMET có thể được hưởng lợi ít hơn từ quá trình chuyển đổi số vì họ thường có ít cơ hội đào tạo hơn. Năm 2020, chỉ có 20-40% lao động không thuộc PMET tham gia chương trình đào tạo, so với 50% đến 70% lao động PMET.

Vì các PMET nhìn chung thành thạo hơn trong việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng do tính chất công việc của họ, việc mở rộng cơ hội đào tạo có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa PMET và những người không thuộc PMET hơn nữa trong bối cảnh chuyển đổi số.

* Nhu cầu đào tạo lại, nâng cao kỹ năng và lập kế hoạch việc làm

Để giúp giải quyết tác động của những thách thức này đối với người lao động, các sáng kiến đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cần phải được tăng cường hơn nữa và tiếp tục điều chỉnh để đáp ứng sự thay đổi của môi trường và nhu cầu kinh doanh.

Trong đó, việc hỗ trợ hơn nữa cho người sử dụng lao động trong việc lập kế hoạch và thiết kế lại việc làm thông qua Lộ trình chuyển đổi việc làm của lực lượng lao động Singapore là một sáng kiến đáng khen ngợi nhằm giúp người lao động có được các kỹ năng cần thiết để tiến tới hiệu suất công việc và áp dụng kỹ thuật số.

Với dân số nhỏ và xã hội già hóa nhanh của Singapore, điều cũng quan trọng không kém là phải đảm bảo đủ nguồn nhân lực nước ngoài để lấp đầy khoảng cách cung-cầu cho cả công việc có tay nghề lẫn không cần kỹ năng.

Tất cả những nỗ lực này là chìa khóa để phát triển một thị trường lao động mang tính bao trùm và có hiệu quả cho “đảo quốc Sư tử”, đồng thời duy trì vị thế của nước này là trung tâm tài năng khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục