Lạm phát chậm lại gây áp lực lên các ngân hàng trung ương

12:53' - 05/12/2023
BNEWS Một số quan chức cảnh báo rằng nếu chờ đợi quá lâu để cắt giảm chi phí đi vay, các ngân hàng trung ương có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang suy yếu.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nhận được những ý kiến "kêu ca" là phản ứng quá chậm trước những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lạm phát đang dần kết thúc, chưa đầy hai năm sau khi họ bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước đợt tăng giá nhanh nhất trong vài thập niên qua.

Lạm phát chậm lại gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải xoay trục chính sách. Một số quan chức đã cảnh báo rằng nếu chờ đợi quá lâu để cắt giảm chi phí đi vay, các ngân hàng trung ương có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang suy yếu như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang trì trệ hay các chính phủ mắc nợ nhiều như Italy.

 
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận này, sau khi lạm phát của Eurozone giảm xuống 2,4% - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và gần với mục tiêu 2% do ECB đề ra.

Ông Innes McFee, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại công ty tư vấn Oxford Economics nhận định, ECB là ngân hàng trung ương lớn có nguy cơ mắc sai lầm chính sách ở đây vì lạm phát sẽ giảm nhanh chóng. Theo ông, ECB có thể đưa ra giọng điệu cứng rắn, nhưng hành động của ngân hàng trung ương này sẽ phải thay đổi.

Sau khi dữ liệu lạm phát của Eurozone thấp hơn dự báo trong tháng thứ ba liên tiếp, các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách đặt cược vào thời điểm ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nhiều nhà kinh tế đang mong đợi điều này sẽ xảy ra vào nửa đầu năm tới.

Ông Dirk Schumacher, cựu chuyên gia kinh tế của ECB và hiện đang làm việc cho ngân hàng Natixis (Pháp) cho biết lạm phát tại Eurozone đang trên đà chạm mức mục tiêu 2% vào mùa Xuân tới. Nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn còn nỗi lo sợ về khả năng đánh giá thấp lạm phát một lần nữa. Do đó, ECB sẽ mất nhiều thời gian để đạt được sự đồng thuận đủ lớn trong hội đồng quản trị về việc cắt giảm lãi suất.

Ông dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, rồi tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp sau đó trong năm tới.

Nhưng có những nhà hoạch định chính sách tại ECB lại phản đối. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cho biết việc lạm phát giảm là đáng khích lệ, nhưng chưa đủ để loại trừ khả năng tăng lãi suất lên cao hơn nữa. Ông cũng cảnh báo còn quá sớm để nghĩ đến khả năng ECB giảm lãi suất cơ bản.

Lập luận đó đã nhận được sự ủng hộ từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong tuần này. Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của tổ chức lập luận rằng ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ không thể giảm bớt chi phí đi vay cho đến năm 2025, do lạm phát cơ bản dai dẳng vì áp lực tiền lương.

Song các ngân hàng trung ương cũng nhận thức rõ rằng tình trạng nhu cầu chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cùng áp lực lãi suất lên các khoản vay thế chấp sẽ gây áp lực chính trị buộc họ phải giảm lãi suất.

Điều này đặc biệt đáng chú ý trong trường hợp Vương quốc Anh, khi nước này sắp bước vào năm bầu cử. Ông Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của BoE, hồi tháng trước từng phát biểu giá cả giảm có thể tạo ấn tượng sai lầm rằng mối đe dọa lạm phát đã kết thúc.

Tại Mỹ, nơi tăng trưởng vẫn mạnh hơn nhiều so với khu vực châu Âu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hầu như giữ nguyên quan điểm rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể chưa kết thúc. Những người mong đợi các đợt cắt giảm sẽ cần phải kiên nhẫn.

Sự do dự này phản ánh mong muốn của Fed trong việc bảo vệ uy tín của mình. Họ không muốn phải đảo ngược tiến trình nếu áp lực giá vẫn duy trì ở mức cao dai dẳng - một rủi ro mà Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly đã nhấn mạnh vào tháng 11.

Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Pantheon Economics cho biết một lý do khác là Fed lo ngại về việc một lần nữa đánh giá sai quỹ đạo lạm phát. Ngân hàng trung ương này từng bị chỉ trích vì không lường trước được đà tăng giá cả phi mã sau đại dịch.

Nhưng với hoạt động kinh tế chậm lại, nhu cầu lao động yếu đi và tăng trưởng tiền lương “hạ nhiệt”, ông Shepherdson nhận định Fed có nguy cơ thất bại trong dự báo một lần nữa: đánh giá thấp tốc độ giảm phát.

Theo ông, áp lực giảm giá sẽ tăng lên trong vài tháng tới. Đó là lý do tại sao ông giữ nguyên dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Trong năm tới, ông Shepherdson nhận định Fed sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 1,5 điểm phần trăm và thêm 1,25 điểm phần trăm nữa vào năm 2025. Hiện lãi suất của Fed đang trong khoảng 5,25-5,5%.

Tuy nhiên, một số cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Ở Mỹ, có nguy cơ tốc độ tăng trưởng nhanh gần đây tạo điều kiện duy trì lạm phát ở mức quá cao. Ông William English, cựu quan chức phụ trách bộ phận tiền tệ của Fed cho biết trong kịch bản này, Fed sẽ không ngần ngại giữ lãi suất ở mức cao ngay cả khi các chính trị gia tăng sức ép trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Về phần Eurozone, phần lớn cuộc tranh luận hiện xoay quanh lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động). Các nhà kinh tế cho biết lạm phát cơ bản hàng năm trong ba tháng gần nhất của Eurozone đã giảm xuống mức mục tiêu của ECB. Nhưng một số người khác chỉ ra các yếu tố nhất thời đã kéo lạm phát xuống - chẳng hạn như giá kỳ nghỉ trọn gói giảm, đồng thời cho rằng mức tăng lương nhanh chóng sẽ khiến lạm phát leo thang trong năm tới.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây đã cảnh báo rằng lạm phát của Eurozone có thể tăng trở lại vào tháng 12, do các khoản trợ cấp của chính phủ giúp hạn chế giá năng lượng sẽ chấm dứt.

Trong khi đó, ông Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định áp lực đối với ECB sẽ tăng lên, đặc biệt là từ các quốc gia thành viên mắc nợ cao. Tuy nhiên, ông cho rằng ECB nên kiên định hành động trước áp lực và dự đoán lạm phát cơ bản của Eurozone sẽ ổn định ở khoảng 3% trong năm tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục