Lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng

19:58' - 09/09/2017
BNEWS Trong tháng Tám vừa qua, lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng do giá thực phẩm bị đội lên, trong khi lạm phát giá của nhà sản xuất cũng tăng trong bối cảnh giá hàng hóa cao hơn.

Thép Trung Quốc bị EC áp thuế chống phá giá lên tới 28,5%. Ảnh: St. Louis Pipe & Supply

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính về lạm phát, trong tháng Tám tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1,4% trong tháng Bảy và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2017. So với tháng trước đó, CPI của tháng 8/2017 tăng 0,4%.

NBS cho rằng lạm phát giá tiêu dùng tăng là do giá thực phẩm leo thang khi thời tiết xấu khiến rau đắt đỏ hơn, trong khi sản lượng giảm khiến giá trứng tăng mạnh.

Cơ quan này cho biết, giá thực phẩm, yếu tố lớn nhất trong CPI, trong tháng 8/2017 tăng 1,2% so với tháng trước đó, với giá rau tăng 8,5% so với tháng Bảy, còn giá trứng tăng 13,5%. Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi của tháng Tám vừa qua tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

NBS cũng cho biết, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) trong tháng Tám tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 5,5% trong tháng Bảy. Giá thép, kim loại màu, dầu mỏ và khí đốt đều tăng trong tháng Tám vừa qua.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa đầu năm nay đạt nhịp độ tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trên toàn cầu gia tăng đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và sức tiêu dùng trong nước ổn định góp phần hạn chế tác động từ những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc giảm nợ và hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục