Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong cổ phần hoá

14:34' - 08/08/2019
BNEWS Sáng 8/8 tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, cơ chế, chính sách về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Diễn đàn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiến độ bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng chậm. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến chỉ rõ nguyên nhân đó là do một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triền khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chưa chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao; chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Thêm nữa, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC cho rằng, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để bán vốn theo quy định tại Nghị định 32/2018/ND-CP dẫn đến một số bất cập. Cụ thể, với các doanh nghiệp niêm yết, giá cổ phiếu tham chiếu đã phản ánh kết quả kinh doanh, tiềm năng phát triển và lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó, có lợi thế về đất đai và giá trị về quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, theo đại diện của SCIC, quy định về yêu cầu tính toán riêng lẻ một số giá trị lợi thế cụ thể không thực sự có nhiều ý nghĩa đối với đa số các phương pháp định giá và chỉ thích hợp sử dụng đối với phương pháp tài sản.

Ngoài ra, đại diện SCIC cho biết, doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Theo đó, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho rằng, dù các văn bản quy phạm phát luật về cổ phần hóa, thoái vốn ngày càng hoàn thiện, nhưng áp dụng vào trong thực tế muôn màu, muôn vẻ nên đơn vị tư vấn và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Vũ An Khang đối với phương án sử dụng đất theo quy định các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Từ đó, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Tuy nhiên, nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân; trong đó, hầu hết bị chậm trễ trong trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.

Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa VVFC đề xuất, Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp; đồng thời, với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, phải quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ, ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn khi kế hoạch, danh mục Thủ tướng đã phê duyệt cho cả giai đoạn.

Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt, tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ.

Đại diện của SCIC cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách tổng thể; các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC.

Riêng đối với quá trình cổ phần hóa, SCIC đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất doanh nghiệp mà SCIC cổ phần hóa theo quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục