Làn sóng COVID-19 thứ hai thử thách kinh tế "lục địa già"

09:33' - 15/11/2020
BNEWS Châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch COVID-19 với hơn 12 triệu ca mắc và khoảng 300.000 người tử vong trên toàn châu lục.

Tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 nhanh chóng mặt ở một loạt nước khi chỉ trong vòng nửa tháng, các ca dương tính tăng 459% tại Serbia, 200% ở Italyvà Hy Lạp, 150% ở Đức và Thụy Điển…

Biện pháp phong tỏa mới đang là phản ứng của hầu hết các quốc gia ở châu lục khi mà cách tiếp cận này trong làn sóng đầu tiên đã tỏ ra hiệu quả với các mức độ khác nhau. Cho đến nay, sự khác biệt so với thời điểm mùa Xuân có thể là phong tỏa ít nghiêm ngặt hơn và trường học vẫn mở ở phần lớn các quốc gia.

Các nước châu Âu hiện mới đơn giản là ứng phó để cố gắng tránh điều tồi tệ nhất mà chưa có được kế hoạch dài hạn. Làn sóng COVID-19 thứ hai có dẫn đến sự gián đoạn kinh doanh với các tác động kinh tế ra sao vẫn đang là câu hỏi mở.

* Hệ quả kinh tế nặng nề

Hậu quả lớn về kinh tế trước đợt phong tỏa đầu tiên ở châu Âu vẫn còn đó, trong khi làn sóng COVID-19 thứ hai bất ngờ ập đến. Các biện pháp phong tỏa đang được nhiều nước châu Âu áp đặt trở lại tác động mạnh tới sự phục hồi kinh tế vốn còn rất mong manh của "lục địa già".

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/11 nhận định làn sóng lây nhiễm COVID-19 đã làm chậm lại đà phục hồi, đồng thời cảnh báo nền kinh tế khu vực sẽ không quay trở lại bình thường trước năm 2023. Do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Eurozone đã sụt giảm 12,7% từ tháng 1-9 năm nay. EC cho rằng nền kinh tế Eurozone đang "hụt hơi" dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Các nước châu Âu đang phải chật vật với làn sóng lây nhiễm thứ hai nặng nề hơn so với làn sóng đầu tiên hồi đầu năm nay.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết đợt phong tỏa lần thứ hai để ngăn chặn sự lây lan mạnh của COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.

Ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ euro. Ngoài ra, phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.

Các biện pháp hạn chế lây lan COVID-19 tiếp tục gây cú sốc đối với các nền kinh tế khác ở châu Âu. Ngân hàng trung ương Pháp cho biết hoạt động kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone trong tháng 11/2020 giảm 12% so với mức bình thường và tồi tệ hơn mức giảm 4% trong tháng 10/2020.

Nếu không có sự hỗ trợ bổ sung, rất nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể "sống sót" sau đợt phong tỏa lần hai này và hệ quả là vô số lao động sẽ mất việc. Trong đợt đóng cửa trước đó, nhiều người đã phải sử dụng tiền tiết kiệm để tồn tại.

Hiện các quốc gia ở châu Âu đang gia tăng áp đặt các biện pháp đóng cửa từng phần. Nếu tình trạng giãn cách kéo dài và không được mở cửa trở lại vào những ngày lễ cuối năm, có khả năng nhiều nước châu Âu và ngay cả Thụy Sỹ - nơi được đánh giá là ứng phó khá tốt trong làn sóng đầu tiên, sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng về kinh tế-xã hội.

Thụy Sỹ đã phản ứng với làn sóng COVID-19 ban đầu bằng cách đóng các cửa hàng, nhà hát và nhà hàng, đồng thời sử dụng các khoản vay không lãi suất và tiền trợ cấp việc làm để giữ cho nền kinh tế trụ vững. Chính phủ hiện đang sử dụng các biện pháp giãn cách xã hội có mục tiêu nhằm kiềm chế dịch bệnh này và tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh mà các bang có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa khác nhau.

Từ một nước quản lý khá tốt, Thụy Sỹ đã trở thành vùng lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2 kể từ đầu tháng Mười tới nay. Thụy Sỹ hiện có 1.580 trường hợp nhiễm virus mới trên 100.000 dân, tỷ lệ cao hàng đầu châu Âu. Các biện pháp hạn chế của Thụy Sỹ được đánh giá là nhẹ hơn so với các nơi khác ở châu Âu. Các chuyên gia cho rằng mặc dù việc đóng cửa sẽ cản trở hoạt động kinh tế, nhưng “rủi ro sức khỏe cao cùng với nỗi sợ hãi sẽ ngăn cản mọi người và doanh nghiệp theo đuổi các hoạt động kinh tế".

Cho đến nay, nền kinh tế Thụy Sỹ phát triển tương đối tốt. Cách tiếp cận của Thụy Sỹ theo hướng tự chịu trách nhiệm, phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân, trong khi chính phủ đang cố gắng tìm ra một giải pháp khả thi và bền vững giảm tối thiểu thiệt hại về kinh tế.

Chính phủ Thụy Sỹ đang đề xuất hỗ trợ tài chính 200 triệu CHF (219 triệu USD) cho các công ty bị ảnh hưởng bởi các hạn chế nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19. Các khoản hỗ trợ không được vượt 10% doanh thu năm 2019 của một công ty, trong khi các khoản cho vay được giới hạn ở mức 25% doanh thu của năm ngoái và không được cao hơn 10 triệu CHF. Chính phủ cũng thực hiện các bước để tiếp tục hỗ trợ cho những người lao động tự do và những người lao động khác.

* Hạn chế gián đoạn kinh doanh

Việc thắt chặt biện pháp để kiểm soát dịch bệnh chắc chắn sẽ tác động tới các hoạt động kinh tế, nhưng có thể tin rằng tác động lần này sẽ không nặng nề như đợt dịch xảy ra hồi đầu năm. Các hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nông sản, thủy sản, cà phê, rau quả... vẫn sẽ không bị ảnh hưởng.

Trong làn sóng COVID-19 lần đầu, các nước châu Âu lần lượt đóng cửa biên giới, thậm chí phong tỏa việc xuất khẩu hàng hóa, vật tư y tế. Đã có một châu Âu với những thời điểm những hàng xe chất đầy hàng hóa nằm chờ kéo dài hàng chục km ở biên giới Đức-Ba Lan, hay có những khu vực phải gồng mình đương đầu với dịch bệnh (như ở miền Bắc Italy) mà không thể có được sự hỗ trợ vật tư y tế từ những quốc gia láng giềng.

Các quốc gia châu Âu khép mình vào một mô hình hạn chế tự do công dân, nhưng thu mình lại là trở nên nghèo hơn khi hoạt động kinh tế bị kìm hãm và châu Âu không muốn lặp lại kịch bản này. Những tình huống bất lợi mà mọi người từng lo ngại đang trở thành "trạng thái bình thường mới".

Dự kiến, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 19/11 để thảo luận về cách ứng phó với COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch này tới sức khỏe công dân và nền kinh tế các quốc gia trong khối.

Lãnh đạo EU cố gắng đưa ra những giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi vẫn duy trì việc mở cửa khu vực Schengen không biên giới, song đại dịch COVID-19 lần hai như một phép thử đối với châu Âu về tính hợp pháp và hiệu quả của hệ thống kinh tế-xã hội. Trong những tình huống bất ngờ ập đến như làn sóng đại dịch COVID-19, sự hợp tác giữa chính phủ các nước châu Âu đôi khi ở trong tình thế thực sự khó khăn.

Tất nhiên, mỗi nước châu Âu, với điều kiện và hoàn cảnh riêng, sẽ có những giải pháp khác nhau trong cuộc chiến chống COVID-19, song về tổng thể, EU cần có khuôn khổ và cách tiếp cận chung để có thể đảm bảo sự ổn định. Châu Âu cần vượt qua bài thử nghiệm khó khăn hiện nay và hoàn thiện hơn trong việc gắn kết, hội nhập châu lục.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và khả năng thành công của vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ vẫn là yếu tố chủ chốt quyết định tương lai phục hồi kinh tế châu lục. Đại dịch lần này là cuộc khủng hoảng y tế 100 năm mới xảy ra một lần vì vậy cần những đột phá quan trọng trong chính sách ở cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc để cùng tiến xa trên chặng đường dài và đầy chông gai.

Điều đó cũng có nghĩa sẽ không thể có phương án giải quyết hiệu quả ngay lập tức cho đại dịch toàn cầu này. Giải pháp cho vấn đề là một cách tiếp cận toàn diện, sử dụng mọi công cụ sẵn có, đồng thời các nước cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau ngăn chặn dịch để giúp kinh tế có thể phục hồi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục