Lãnh đạo G7 nhất trí hỗ trợ nền kinh tế qua các gói kích thích tài khóa

15:56' - 12/06/2021
BNEWS Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế mỗi nước bằng các gói kích thích tài khóa sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19.

Tất cả các nhà lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel của Đức, vốn có truyền thống phản đối việc vay mượn để thúc đẩy tăng trưởng, đều đã nới lỏng quan điểm này khi đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các đồng minh của mình tiếp tục chi tiêu mạnh tay, với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tháng Hai năm nay đã kêu gọi các thành viên G7 "hãy chơi lớn".

Nguồn thạo tin cho biết, đã có sự đồng thuận trên bàn họp của G7 về việc tiếp tục nới rộng tài khóa trong giai đoạn này, đồng thời cho biết thêm rằng Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng bày tỏ sự ủng hộ đặc biệt.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhiều lần hối thúc các nước G7 và một số quốc gia khác tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tài khóa.

Các nhà lãnh đạo G7 tin rằng cần có các chính sách dài hạn để đảm bảo tình hình tài chính công trong tương lai, giống như lập trường của các bộ trưởng tài chính nhóm này trong cuộc họp hồi đầu tháng Sáu tại London.

Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) từ năm 2011 đến 2019, cho biết các nền kinh tế lớn của phương Tây cần có một số "mỏ neo tài khóa dài hạn" để trấn an các nhà đầu tư và tránh việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo G7 tin rằng, tình trạng lạm phát tăng sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại nhiều quốc gia sẽ chỉ là tạm thời.

Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động để giảm tỷ lệ thất nghiệp như tái đào tạo và cung cấp sự hỗ trợ cho lao động trẻ tuổi, một đề xuất được Thủ tướng Canada Justin Trudeau ủng hộ.

Trong buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài ba ngày ở Cornwall, miền Tây Nam nước Anh ngày 11/6, Thủ tướng Anh Johnson lưu ý rằng, các nhà lãnh đạo cần phải cẩn trọng để không lặp lại những sai lầm của cuộc đại khủng hoảng và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, khi sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều đối với tất cả các thành phần của xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục