Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

18:13' - 18/04/2017
BNEWS Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ, kiến nghị từ phía các luật sư và đại diện một số trường đại học nước ngoài.
Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ, kiến nghị từ phía các luật sư và đại diện một số trường đại học nước ngoài.

Đơn cử như ở điều 28.4 trong dự thảo, “Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường)”, Luật sư Nguyễn Kim Dung, thành viên đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc cho rằng, quy định về việc xác định nguồn vốn chưa hợp lý khi yêu cầu xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư.

Khi vào Việt Nam, trong giai đoạn xin cấp giấy phép đầu tư và thành lập, nhà đầu tư chỉ có thể chứng minh họ có đủ nguồn vốn minh chứng bằng báo cáo kiểm toán (tài sản sở hữu và vốn chủ sở hữu) cộng với nguồn vốn vay (nếu có) để chứng minh họ có đủ khả năng đầu tư thành lập trường. Việc xác định bằng tiền mặt là chưa hợp lý.

Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập. Chỉ khi được cấp phép thành lập, có đủ cơ sở pháp lý, việc đầu tư mới được triển khai thực sự. Đây là quy trình hợp lý để thực hiện 1 dự án đầu tư, Luật sư Dung cho biết thêm.

Do đó, Luật sư Dung đề nghị điều chỉnh giữ mức tổng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn là 300 tỷ đồng. Vì mức vốn 1.000 tỷ đồng có thể là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài, và không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là thành phố lớn của Việt Nam.

Đồng quan điểm trên, đại diện RMIT Việt Nam cũng cho rằng, nên đưa về mức 300 tỷ đồng. Đồng thời, việc chứng minh số tiền mặt và tài sản tạo thành tổng vốn đầu tư cần phải tuân theo Luật Đầu tư, trong đó có quy định rằng báo cáo tài chính của nhà đầu tư có thể là một trong các tài liệu dùng để chứng minh khả năng tài chính.

Do đó, quy định “vốn đầu tư được các định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản” cần được bỏ để tránh việc mâu thuẫn với Quy định của Luật Đầu tư.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, còn nhiều điểm cần sửa đổi trong dự thảo về việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài, nội dung giáo dục, đào tạo; đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nên đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu giảm bớt, thay đổi một số nội dung tại các khoản của điều 32, 33 về thủ tục cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo hướng đỡ phiền hà, gây rào cản, phát sinh tiêu cực làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục