Lí do BoJ mua lại lượng lớn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm

08:02' - 12/02/2022
BNEWS Trong lúc nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao, BoJ là một trong số ít ngoại lệ. 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa thông báo sẽ mua lại một khối lượng không hạn chế trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với lãi suất 0,25% nhằm ngăn chặn nguy cơ lãi suất tín dụng trong nước tăng quá cao do tác động của việc tăng lãi suất trên toàn cầu.

Thông báo này được đưa ra sau khi ngày 10/2, lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm tăng lên 0,23%, cao nhất kể từ năm 2016 và gần với mức giới hạn ngầm 0,25% mà BoJ đã đặt ra xung quanh mục tiêu 0%.

 

Trong thông báo đăng tải trên trang web của mình sau khi thị trường trái phiếu JGB đóng cửa vào ngày 10/2, BoJ cho biết ngân hàng trung ương này sẽ mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào ngày 14/2. Nếu kế hoạch này được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên BoJ thực hiện nghiệp vụ này kể từ tháng 7/2018.

Bình luận về việc BoJ thông báo kế hoạch trên sau giờ giao dịch, ông Takahide Kiuchi, cựu thành viên Hội đồng Chính sách BoJ nhận định bằng cách thông báo trước kế hoạch của mình, BoJ muốn ngăn cản các nhà giao dịch tìm cách kiểm định ngưỡng 0,25% và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực vi phạm ngưỡng đó mà không thực sự phải mua vào trái phiếu.

Ông Kiuchi nói: “Nếu BoJ công bố kế hoạch đó trong thời gian thị trường đang giao dịch, họ sẽ phải mua một lượng lớn JGB. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng cường nới lỏng tiền tệ, điều mà ngân hàng trung ương này muốn tránh”.

Trong khi đó, ông Masahiro Ichikawa, Chiến lược gia thị trường tại công ty Sumitomo Mitsui DS Asset Management, nói: “BoJ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường về quyết tâm kiềm chế lợi suất trái phiếu tăng vượt ngưỡng 0,25%”.

Cùng chung nhận định đó, bà Naomi Muguruma, chuyên gia kinh tế tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho rằng BoJ đã đưa ra thông báo trên như một biện pháp phòng ngừa để tránh việc lợi suất trái phiếu tăng đột biến vào tuần tới sau kỳ nghỉ kéo dài ba ngày ở Nhật Bản.

Sau thông báo trên, lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ và đóng cửa ở mức 0,22%. Trong khi đó, đồng yen hầu như không biến động và đóng cửa ở mức 115,79 yen/USD.

Trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu, BoJ cam kết giới hạn lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để duy trì lãi suất tín dụng ở mức thấp và kích thích nền kinh tế. Trong đợt đánh giá chính sách tiền tệ vào tháng 3/2021, BoJ đã khẳng định rằng ngân hàng trung ương này sẽ cho phép lợi tức JGB kỳ hạn 10 năm thay đổi trong biên độ 25 điểm cơ bản so với mức chuẩn 0%.

Trong lúc nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao, BoJ là một trong số ít ngoại lệ. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã nhiều lần khẳng định rằng Nhật Bản cần phải tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Mainichi gần đây, Thống đốc Kuroda cho rằng vẫn chưa có cơ hội nào để thu hẹp chính sách trên. Khả năng Nhật Bản chứng kiến lạm phát tăng cao như các nước khác là rất thấp.

Chuyên gia Valentin Marinov của ngân hàng Credit Agricole nhận định: “Rõ ràng là BoJ không lo lắng về tình trạng lạm phát tăng cao ở Nhật Bản. Thay vào đó, họ dường như cố gắng duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi”.

Trước đó, lạm phát tăng nóng ở phương Tây và các quan điểm “diều hâu” của nhiều ngân hàng trung ương lớn bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã khiến không ít người đặt cược vào việc BoJ sẽ sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng, khiến lợi suất JGB tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Tuy nhiên, lạm phát ở Nhật Bản dù tăng vẫn thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu 2% của BoJ, trong khi đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn chậm hơn so với nhiều nước phát triển khác. Đặc biệt, tiền lương ở Nhật Bản cũng không tăng nhanh như ở các nước khác.

Mặc dù vậy, không ít chuyên gia đã bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của kế hoạch mua vào trái phiếu chính phủ của BoJ. Bà Naomi Muguruma nói không chắc liệu lợi suất JGB có giảm trở lại hay không, vì sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu là do thị trường ngày càng lo ngại về rủi ro lạm phát trên toàn cầu cũng như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao./.

>>IMF: BoJ cần đưa ra biện pháp để chính sách tiền tệ trở nên bền vững hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục