Liban vẫn chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và tài chính

08:25' - 14/06/2021
BNEWS Liban đang tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế và tài chính khi giá trị đồng bảng của nước này ngày 13/6 ghi nhận mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD.

Theo giới thị trường, đồng nội tệ của Liban được giao dịch ở mức 15.150 bảng đổi 1 USD, mất khoảng 90% giá trị so với hồi cuối năm 2019, thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nổ ra tại Liban.

Lần gần đây nhất đồng bảng Liban chạm mức thấp nhất là 15.000 bảng đổi 1 USD vào tháng 3/2021.

Liban hiện đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc, đe dọa sự ổn định của nước này. Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mì, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tuần gần đây.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi đây là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tại Liban có thể nằm trong Top 10 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ XIX.

Trước những thách thức lớn hiện nay, việc không có một cơ quan hành pháp hoạt động đầy đủ đang đe dọa các điều kiện kinh tế-xã hội vốn đã rất tồi tệ tại Liban.
WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Liban năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong năm 2019.

Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020, trong khi GDP bình quân đầu người giảm khoảng 40% tính theo đồng USD.
Lạm phát luôn ở mức trung bình 84,3% trong năm 2020, do giá cả các mặt hàng liên tục leo thang. Do tình hình tài chính và tiền tệ còn biến động phức tạp, GDP thực của Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm 2021. Nền kinh tế Liban nếu tính theo đồng USD có thể chỉ còn 15 tỷ USD trong năm 2021.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đã khiến người dân Liban mất phần lớn số tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và một nửa dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng bế tắc chính trị dẫn tới việc chính phủ mới chưa được thành lập cũng làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Liban./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục