Liên hợp quốc: Bất bình đẳng quá lớn đang đe dọa các nền kinh tế

09:14' - 18/10/2017
BNEWS Theo báo cáo mới được Liên hợp quốc công bố ngày 17/10, bất bình đẳng quá lớn đang đe dọa các nền kinh tế, các cộng đồng và các quốc gia, khiến con người mắc kẹt trong nghèo đói và bị phân hóa.

Báo cáo của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) có tên Tình trạng Dân số Thế giới cho thấy những hiện tượng bất bình đẳng không chỉ là vấn đề về tài sản, mà còn là vấn đề về xã hội, giới tính và chính trị, và tất cả đều có sự ảnh hưởng lẫn nhau.

Theo báo cáo, trên toàn thế giới, hiện tượng bất bình đẳng giới tính gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả. Có quá nhiều phụ nữ và trẻ em gái không được tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, đồng nghĩa với việc họ không được tiếp nhận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hay chăm sóc tiền sản, và có thể buộc phải sinh nở trong những điều kiện không an toàn.

Bị buộc phải làm mẹ khi còn quá trẻ, hay sinh nở quá nhiều, những phụ nữ và trẻ em gái dễ bị hậu sản hoặc thậm chí bị tử vong.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng những hiện tượng bình đẳng này có thể gây phương tới những mục tiêu toàn cầu về chấm dứt nghèo đói, chấm dứt những ca tử vong có thể ngăn chặn được và đạt sự phát triển bền vững.

Báo cáo nêu rõ, các quốc gia có thể thực hiện 10 hành động để tạo ra một thế giới an toàn hơn. Thứ nhất, đáp ứng tất cả các cam kết và nghĩa vụ đối với quyền con người đã được nhất trí trong các hiệp ước và công ước quốc tế. Thứ hai, hạ thấp những rào cản cản trở phụ nữ trẻ được tiếp cận các dịch vụ và thông tin về tình dục và sinh sản. Thứ ba, đưa dịch vụ chăm sóc hậu sản đến với những người phụ nữ nghèo nhất.

Thứ tư, đáp ứng mọi nhu cầu kế hoạch hóa gia đình, ưu tiên cho phụ nữ của những hộ gia đình nghèo nhất. Thứ năm, tạo mức sàn bảo vệ xã hội có tính phổ cập, theo đó cung cấp các dịch vụ đảm bảo thu nhập căn bản như là các phúc lợi liên quan đến thai sản. Thứ sáu, củng cố các dịch vụ như trông trẻ để tạo điều kiện cho phụ nữ gia nhập hoặc tiếp tục tham gia lực lượng lao động được trả lương.

Thứ bảy, áp dụng những chính sách lũy tiến nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng thu nhập cho những người nghèo nhất, trong đó có thông qua việc tăng đầu tư vốn con người cho phụ nữ và trẻ em gái. Thứ tám, xóa bỏ những trở ngại để trẻ em gái được tiếp cận giáo dục trung học cơ sở và cao hơn nữa, và được đăng ký các ngành học khoa học, công nghệ, cơ khí và toán.

Thứ chín, đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp từ lao động thử việc sang việc lao động chính thức được trả lương thỏa đáng - chú trọng trước hết vào những khu vực tập trung nhiều lao động nữ nghèo - đồng thời cho phép phụ nữ được tiếp cận tín dụng và quyền sở hữu tài sản. Thứ mười, tiến hành đánh giá mọi quy mô bất bình đẳng và mức độ chúng ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời củng cố những mối liên kết giữa dữ liệu và chính sách công. 

Trong thông điệp được đưa ra nhân ngày Quốc tế xóa nghèo 17/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh chương trình nghị sự mục tiêu phát triển bền vững cam kết bảo đảm một hành tinh cường thịnh, cũng như xây dựng các xã hội hòa bình và đồng đều. Cam kết về việc không để bất kỳ ai tụt lại phía sau đòi hỏi cần có những cách tiếp cận đột phá, quan hệ đối tác và các giải pháp.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế xử lý các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo để loại trừ toàn diện vấn nạn này, thông qua việc lắng nghe quan điểm và hướng dẫn các cộng đồng dân cư đói nghèo, hợp tác cùng với họ.

Bất chấp các nỗ lực xóa nghèo, hiện vẫn có tới hơn 800 triệu người trên thế giới tiếp tục phải sống trong đói nghèo.

Nhiều người khác cũng đang có nguy cơ rơi vào tình cảnh này, do tỷ lệ thất nghiệp, mất an ninh, bất bình đẳng, xung đột, hệ quả biến đổi khí hậu ở nhiều nơi tiến đến ngưỡng báo động.

Xóa nghèo, giảm thiệt hại và xây dựng năng lực đối phó cho những cư dân sống trong nghèo đói là điểm trọng tâm trong Mục tiêu một của Chương trình nghị sự mục tiêu phát triển bền vững (SDG), loại trừ nghèo đói trên thế giới vào năm 2030.

Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1992 đã ra nghị quyết lấy ngày 17/10 hàng năm là ngày Quốc tế xóa nghèo. Chủ đề của năm nay, năm thứ 25, là “Đáp lời kêu gọi ngày 17/10 để chấm dứt đói nghèo: Con đường hướng tới các xã hội hòa bình và đồng đều”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục