Liên kết đào tạo nhân lực: Lợi cả 3 đường

14:49' - 19/08/2018
BNEWS Liên kết doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực được xem là 1 mũi tên trúng 3 đích. Đó là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên sau khi ra trường.

Hướng đi liên kết doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhận lực được xem là 1 mũi tên trúng 3 đích. Ảnh minh họa: TTXVN

Công nghiệp 4.0 với công nghệ cao là những cụm từ đã rất quen thuộc khi được nhắc đến hiện nay. Nhưng tìm đâu ra nguồn nhân lực để vận hành và đón đầu lại là câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Hướng đi liên kết doanh nghiệp và nhà trường được xem là 1 mũi tên trúng 3 đích. Đó là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên sau khi ra trường.
* Lợi cả 3 đường
Tham gia chương trình đào tạo 4 năm của Tập đoàn EDX, theo hình thức liên kết nhà trường – doanh nghiệp, sinh viên năm thứ nhất Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1999, tại Đan Phượng, Hà Nội, từ một sinh viên nhút nhát, không dám tiếp xúc với mọi người đến nay, đã có thể thuyết trình đầy tự tin trước đám đông và sử dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo, từng bước đặt viên gạch đầu tiên khởi nghiệp. Tự kiếm tiền đủ trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và một phần gửi về nhà, đây là điều mà cả Dũng và rất nhiều sinh viên chưa thể làm được khi “chân ướt, chân ráo” lên Thủ đô học đại học.
“Sau một năm tham gia đào tạo theo hướng liên kết mới, em và team (nhóm sinh viên) chúng em có thể kiếm hàng chục triệu đồng/tháng, đủ để lo chi phí ăn học và hỗ trợ tiền về cho gia đình. Hiện nhóm cùng tham gia chương trình đào tạo với em đang hình thành và tập sự trong việc khởi nghiệp một doanh nghiệp liên quan đến maketting online”, Dũng bật mí.
Tìm đến Tập đoàn EDX, gặp gỡ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Hùng, ông Hùng cho hay, Tập đoàn đang thực hiện Chương trình đào tạo Giám đốc Marketting với 30% học lý thuyết và 70% thực hành. Chương trình này được nhà trường liên kết với nhiều trường đại học khác.
Ngay từ những năm đầu, EDX hướng dẫn các em về mô hình quản trị công ty, tính toán để tự mở công ty, xây dựng hồ sơ, các tài liệu liên quan và nguồn hàng... Bởi trên thực tế hiện nay, cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có đến 8-9 doanh nghiệp thất bại. Do vậy, việc hướng cho sinh viên tập khởi nghiệp ngay trong nhà trường được xem như một bài học thực tế, để sinh viên nhận ra có làm được không và phải làm như thế nào.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với rất nhiều doanh nhân là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để trao đổi và giảng dạy lại cho các sinh viên”, ông Nguyễn Đình Hùng nói.
Với chương trình đào tạo này, ngoài việc sinh viên sẽ có đầy đủ bằng cấp chính quy từ các trường đại học, sẽ nhận được thêm chứng chỉ 4 năm đào tạo, hành nghề tại Tập đoàn EDX và được nhận ngay vào làm việc tại chính Tập đoàn này. Còn với các trường đại học, sẽ có thêm ngành học mới để thu hút sinh viên, mở ra các chương trình đào tạo mới thiết thực hơn. Doanh nghiệp liên kết có thể sử dụng nguồn nhân lực chất lượng mà không phải mất thời gian đào tạo lại.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế. Hiện có tới 55% số doanh nghiệp cho rằng, rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Do vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết. Điều này bắt buộc các trường đại học cần phải đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp. Đồng thời, phải thực hiện việc giáo dục kép phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp không nên chỉ là người đặt hàng của ngành giáo dục mà cũng nên là người đầu tư, chủ nhân của hệ thống giáo dục.
"Trong đó, doanh nghiệp dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở; tham gia giảng dạy; là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo; cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo và là nơi tiếp nhận, sử dụng nguồn lao động", ông Lộc nói.
* Gỡ vướng khi liên kết
Năm 2018, một trong ba khâu đột phá của giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định là tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã rất chủ động tìm đến các nhà trường để tạo sợi dây liên kết trong đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế, sợi dây này khá mỏng. Giữa doanh nghiệp và nhà trường cũng chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, đây là vấn đề khó khăn bởi thực tế, khi liên hệ với các trường, đặc biệt là các trường lớn, có danh tiếng, các thầy cô biết rất rõ việc học phải đi với hành nhưng ít ai dám thay đổi. Vì nếu thay đổi sẽ phải làm rất nhiều từ nội dung, chương trình giảng dạy, thực hành... làm sao để phù hợp nhất với công nghệ mới và phù hợp với yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp đối tác.
Do vậy, ông Hùng cho rằng, cách làm tốt nhất hiện nay là cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể và những văn bản pháp lý rõ ràng. Cả hai bên phải có những buổi gặp gỡ và đi đến thống nhất chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH SKD Việt Nam cho rằng, nhân lực từ các trường ra nghề hiện chưa tiếp cận nhiều với các công nghệ sản xuất mới, hay tiếng Anh chuyên ngành sản xuất còn yếu... Do vậy, nếu có thể, phải gắn doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Theo đó, doanh nghiệp tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, phản biện nội dung chương trình đào tạo, qua đó nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
"Nếu cần thiết nữa, doanh nghiệp có thể cử chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành. Đồng thời, nhận những giảng viên, cán bộ đến doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế hiện nay. Từ đó, khi sinh viên ra trường có thể tiếp cận ngay với công nghệ hiện đại nhất, có tay nghề kỹ thuật cao, thay vì phải đào tạo lại như thời gian qua." ông Kết chia sẻ thêm./.

>>> Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục