Liệu Ấn Độ có thể trở thành "công xưởng thế giới" tiếp theo?

06:30' - 14/10/2022
BNEWS Ấn Độ có kế hoạch chi 1.200 tỷ USD để đầu tư và cải cách cơ chế của chính phủ, với hy vọng cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng trong nỗ lực thách thức vị thế "công xưởng thế giới" của Trung Quốc.

Liệu nước lớn ở khu vực Nam Á này, có dân số dự kiến vượt Trung Quốc vào năm 2023 theo dự đoán của Liên hợp quốc, có thể tận dụng kế hoạch đầu tư có mục tiêu này để trở thành "công xưởng tiếp theo" của thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài của Apple, Microsoft, Samsung và Amazon, hay không?

Theo Bloomberg ngày 3/10, Ấn Độ đã thiết lập kế hoạch "PM Gati Shakti" (có nghĩa là "Sức mạnh của tốc độ" trong tiếng Hindi), với hy vọng cải thiện các dự án cơ sở hạ tầng thông qua công nghệ, để các công ty toàn cầu có thể chọn Ấn Độ là mục tiêu của trung tâm sản xuất quốc tế, về lâu dài hy vọng sẽ thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng thế giới". 

Theo kế hoạch liên quan, Chính phủ Ấn Độ sẽ thiết lập cổng thông tin với sự tham gia của 16 bộ ngành để cung cấp cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp giải pháp một cửa, cho phép tăng tốc thiết kế các dự án, phê duyệt thủ tục liền mạch và đưa ra các dự toán chính xác và nhanh chóng hơn. 

Amrit Lal Meena, quan chức tại Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết "PM Gati Shakti" sẽ bảo đảm việc triển khai các dự án không bị quá hạn, hay quá ngân sách. Một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch này nếu thành công sẽ mang lại lợi thế cho đất nước, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách "Không COVID", khiến ngày càng nhiều công ty quốc tế bắt đầu áp dụng chính sách "Trung Quốc+1", tìm kiếm các quốc gia khác để tiến hành mở rộng hoặc mua sắm nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng. 

Là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, Ấn Độ không chỉ có thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, mà còn cung cấp nguồn lao động giá rẻ và một lượng lớn nhân tài nói tiếng Anh. Anshuman Sinha, nhà tư vấn quản lý doanh nghiệp Ấn Độ, cho biết cách duy nhất để cạnh tranh với Trung Quốc, ngoài việc chính phủ phải có hành động, cần có sự cạnh tranh về chi phí và dự án cơ sở hạ tầng mới nhất này nhằm mục đích làm cho hàng hóa và các linh kiện do Ấn Độ sản xuất lưu thông khắp nơi trở nên dễ dàng hơn. 

* Tham vọng trở thành "công xưởng thế giới"

Trước đây, Ấn Độ đã tụt hậu rõ rệt về hiệu quả cơ sở hạ tầng. Nhà chức trách Ấn Độ ước tính rằng trong khoảng một nửa số dự án cơ sở hạ tầng bị quá thời hạn đặt ra thì 1/4 vượt quá ngân sách. Hiện tại, "PM Gati Shakti" đang bước đầu giám sát 1.300 dự án, trong đó gần 40% dự án bị chậm tiến độ do các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, rừng và môi trường, dẫn đến vượt chi phí; đến nay chương trình đã giải quyết được khoảng 200 trong tổng số 422 dự án. 

Khi đưa ra kế hoạch vào năm 2021, Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ sẽ dốc sức thu hút nhiều đầu tư hơn để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và đang thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo kế hoạch sẽ không gặp trở ngại và chậm trễ. Ông cũng đề cập rằng cơ sở hạ tầng tốt là chìa khóa để khởi động nhiều hoạt động kinh tế và tạo ra việc làm quy mô lớn. Nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại như vậy, đất nước sẽ không thể đạt được sự phát triển toàn diện. 

Trên thực tế, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch "Made in India", khuyến khích các công ty sản xuất nội địa, hy vọng nâng tỷ trọng sản xuất chế tạo lên trên 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), huy động ít nhất 25 bộ ngành dốc toàn lực đầu tư. Theo kế hoạch này, các ngành bao gồm điện tử, ô tô, y tế, thiết bị y tế, máy móc hạng nặng, điện năng, năng lượng Mặt Trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may là những ngành chính mà Ấn Độ hướng tới. 

Hiện Ấn Độ cũng bắt đầu đạt được những kết quả bước đầu. Ví dụ, Apple gần đây đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ, trong khi Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới tại nước này vào đầu năm 2018. Các nhà phân tích công nghệ dự đoán rằng Apple sẽ trải qua một sự thay đổi lớn trong hoạt động sản xuất thời gian tới, với việc Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu vào năm 2025. 

Apple đã sản xuất hầu hết iPhone ở Trung Quốc trong hơn 10 năm qua, nhưng một báo cáo của JPMorgan trong tháng 9 dự đoán rằng đến cuối năm 2022, công ty này sẽ chuyển 5% sản lượng iPhone 14 toàn cầu sang Ấn Độ, sau đó mở rộng năng lực sản xuất nội địa, cho đến năm 2025 sẽ sản xuất 25% sản lượng iPhone tại quốc gia Nam Á. 

Kể từ tháng Tư năm nay, do các yếu tố như địa chính trị quốc tế, phong tỏa do dịch bệnh và việc tăng lãi suất ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư hơn trên khắp thế giới để phân tán rủi ro, trong đó Ấn Độ và Việt Nam đã trở thành những lựa chọn hàng đầu. Trước những thay đổi này, Ấn Độ đã cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng trong những năm gần đây, thu hút đầu tư lớn từ Foxconn và Wistron, các nhà sản xuất theo hợp đồng của Apple. 

Không chỉ vậy, trước tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, Ấn Độ cũng đã đưa ra kế hoạch khuyến khích trị giá 10 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, dành ra 460.000 hecta đất để khuyến khích các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ, thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn đặt nhà máy tại Ấn Độ, không bao gồm đất của các đặc khu kinh tế có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. 

Ấn Độ cũng đã chủ động liên hệ với đại sứ quán các nước tại Ấn Độ để tìm kiếm các công ty có thể chuyển từ Trung Quốc sang đầu tư vào Ấn Độ. Có thể nhận thấy Ấn Độ đang mong muốn sẽ tiến lên một tầm cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất và sớm "ngồi" vào ngôi vị công xưởng của thế giới. 

Chỉ số MSCI Ấn Độ, thước đo kết quả hoạt động của thị trường cổ phiếu, trong quý III/2022 đã tăng 10%, so với mức giảm 23% của chỉ số MSCI Trung Quốc. Chứng khoán Ấn Độ tăng gần 33 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2000, chỉ số các thị trường mới nổi MSCI cũng tăng lên vị trí thứ hai, sau Trung Quốc. Theo các nhà kinh tế của Bloomberg, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. 

Trước việc các doanh nghiệp quốc tế muốn đa dạng hoá chuỗi ngành nghề, một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ nên nắm bắt thời cơ, tăng tốc tiến hành những cải cách mang tính cơ cấu sâu rộng và sử dụng những thay đổi trong "luồng gió" địa chính trị đang quét qua thế giới để định hình lại quan hệ thương mại của Ấn Độ với thế giới. 

* Sẽ mất 8 năm để di chuyển 10% năng lực sản xuất 

Tuy nhiên, Bloomberg cho biết sẽ mất một thời gian rất dài để phân tán chuỗi cung ứng của Trung Quốc, chẳng hạn như Apple sẽ mất 8 năm để chuyển dịch 10% năng lực sản xuất của mình khỏi Trung Quốc và có tới 98% iPhone hiện đang được sản xuất ở Trung Quốc. 

Theo số liệu do công đoàn toàn cầu IndustriAll thu thập, các ngành sản xuất, hóa chất và xây dựng của Ấn Độ có tỷ lệ tử vong do thương tích liên quan đến công việc cao nhất. Riêng năm 2021, ngành sản xuất của nước này có trung bình 7 sự cố mỗi tháng và hơn 162 người tử vong do tai nạn lao động. 

Điều này phần nào phản ánh rằng Chính phủ Ấn Độ muốn xây dựng một công xưởng thế giới vượt qua Trung Quốc, ngoài các kế hoạch ưu đãi và cải cách đặc biệt của chính phủ nhằm khuyến khích đầu tư và đổi mới, cần phải quan tâm hơn tới các vụ tai nạn thương tâm thường xuyên xảy ra trong các nhà máy địa phương, tránh để những người lao động trong hoàn cảnh tuyệt vọng và dễ bị tổn thương phải trả giá đắt. 

Ritesh Kumar Singh, nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn kinh tế Ấn Độ Indonomics Consulting, cho rằng Ấn Độ đã tận dụng lợi thế về dân số trong thời gian rất dài. Mặc dù Ấn Độ có nguồn lao động dồi dào và mức lương thấp, nhưng do vẫn kém so với Trung Quốc nên thị trường Ấn Độ vẫn chưa có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ sản xuất quy mô lớn. Ông cũng nói thêm rằng mặc dù Ấn Độ đã vươn lên rất nhiều trong bảng xếp hạng về môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) trong những năm gần đây, nhưng chính phủ thường mơ hồ về các điều khoản hợp đồng và chính quyền địa phương thường phớt lờ trách nhiệm hợp đồng của họ, điều này không có lợi cho các hoạt động kinh doanh. 

Việc chuyển giao năng lực sản xuất không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2020, các công ty Mỹ đã đầu tư tới 90 tỷ USD vào Trung Quốc. Ngay cả khi tính đến các yếu tố như môi trường chính trị hiện tại, các khoản đầu tư liên quan đã tăng 2,5 tỷ USD vào năm 2021. Các số liệu này không tính đến Hong Kong (Trung Quốc) hoặc các khoản đầu tư khác được thực hiện thông qua các thiên đường thuế. 

Điều này có thể phản ánh rằng hiện vẫn còn quá sớm để Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng thế giới" tiếp theo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục