"Lời giải" phát triển nguyên liệu vùng chăn nuôi

06:49' - 12/09/2016
BNEWS Hàng năm, Việt Nam đều đứng vị trí nhất nhì trên thế giới trong xuất khẩu gạo nhưng cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa là ngô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô về phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, đặc biệt trong nhiều năm gần đây khối lượng ngô nhập khẩu liên tục tăng.

Vì vậy, phát triển sản xuất ngô và chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô đang là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Là địa phương vừa phát triển mạnh cả chăn nuôi lẫn nuôi trồng thủy sản, tại tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn ngày càng tăng mạnh, nhất là ở những vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại và các hộ gia đình chăn nuôi với quy mô lớn, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp.

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô về phục vụ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN

Ước tính hàng năm, tỉnh Quảng Ninh cần khoảng 250.000 tấn thức ăn chăn nuôi; trong đó, bột ngô chiếm 100.000 - 150.000 tấn và khoảng 12.000 tấn thức ăn thủy sản nuôi công nghiệp; trong đó trên 3.000 tấn là bột ngô.

Nhưng thực tế, số ngô được sản xuất tại địa phương chỉ đủ phục vụ nhu cầu chăn nuôi hộ gia đình còn việc sử dụng ngô để làm thức ăn chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi tập trung, các khu nuôi trồng thủy sản thâm canh công nghiệp đều phụ thuộc vào nguồn ngô được nhập.

Hiện nay tại Quảng Ninh, diện tích ngô hàng năm chỉ khoảng gần 6.000 ha, năng suất ngô bình quân trên 38,5 tạ/ha, sản lượng trên 22.500 tấn.

Diện tích trồng ngô chủ yếu của tỉnh là đất 2 vụ lúa + 1 vụ ngô, 1 vụ lúa + 1 vụ ngô, đất trồng màu, đất chuyên trồng ngô, đất ven sông, đất cây trồng hàng năm không chủ động nước... và được trồng chủ yếu trong vụ Xuân Hè.

Cây ngô được trồng tập trung tại các địa phương thuộc khu vực miền Đông của tỉnh như: huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và Móng Cái với khoảng 4.500 ha, chiếm 76% diện tích ngô của toàn tỉnh.

Để phát triển loại cây này, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như tạo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho ngành chăn nuôi của tỉnh, giai đoạn 2014-2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình chuyển đổi đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các giống ngô như NK6654, NK4300.

Việc ứng dụng và chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả, vùng đất chưa chủ động nước... sang trồng ngô năng suất cao, chất lượng tốt đã từng bước giúp Quảng Ninh tạo được vùng ngô nguyên liệu tập trung.

Theo bà Đỗ Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh, chuyển sang trồng ngô, nông dân có thu nhập từ 42-50 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí lãi từ 6-10 triệu đồng/ha/vụ.

Còn cấy lúa hầu như nông dân không cho lãi. Một số vùng năng suất đạt dưới 4 tấn/ha, người sản xuất đều bị lỗ do chủ yếu bỏ công lao động để tính vào lãi.

Bà Đỗ Thị Thoa cho biết, Quảng Ninh sẽ từng bước nhân rộng diện tích gieo trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, diện tích đất không chủ động nước tưới tiêu, đất nông nghiệp chưa được khai thác sử dụng… để tạo sản phẩm với số lượng lớn theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.

Hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi diện tích lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 – 2017.

Theo đó, mục tiêu chuyển đổi khoảng 1.700 ha diện tích đất lúa màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi.

Hiện đã có 5/6 địa phương trong Đề án đã xây dựng, phê duyệt và triển khai nhân rộng diện tích trồng ngô trên diện tích lúa màu kém hiệu quả.

Về vấn đề này, phía cơ quan chủ quản TS Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với nhiều chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích ngô, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, trong 4 năm gần đây, diện tích ngô toàn quốc tăng liên tục, đến nay đạt khoảng 1,2 triệu ha.

Các mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đến nay đã thu được nhiều thành công.

Đa phần cây ngô cho năng suất từ 6 – 7 tấn/ha. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các địa phương cũng phải xây dựng các kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện của từng vùng mới đạt hiệu quả bền vững.

Các mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô đến nay đã thu được nhiều thành công.. Ảnh: Trần Tuấn-TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt ra quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô vùng miền núi phía Bắc giai đoạn 2016-2020 chủ yếu tập trung trên diện tích đất trồng lúa 1 vụ nhờ nước trời (vụ Mùa) và chân đất có địa hình cao, khó khăn về nước tưới (vụ Đông Xuân).

Tổng diện tích lúa quy hoạch chuyển đổi sang trồng ngô là 30.100 ha, diện tích chuyển đổi tập trung tại các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình và Thái Nguyên.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Như vậy, bắt đầu từ vụ Hè Thu năm 2016 cho phép tất cả các vùng trên  được chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, hỗ trợ với mức là 3 triệu đồng/ha.

“Đây là một chính sách rất tốt cho người sản xuất. Nó giải quyết được bài toán mà chúng ta vẫn nói giảm lương thực xuất khẩu đang dư thừa, hạn chế tình trạng đang nhập siêu rất lớn ngô hiện nay. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi linh hoạt như vậy sẽ đem lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân khi thực hiện chuyển đổi hay tăng vụ” - ông Ma Quang Trung đánh giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục