London nỗ lực duy trì “ngôi vương” về fintech sau Brexit

08:36' - 24/04/2023
BNEWS London được xem là trung tâm công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu của châu Âu và thành phố này đang nỗ lực duy trì “ngôi vương” của mình.
Từ ngân hàng kỹ thuật số Revolut đến công ty chuyển tiền Wise và công ty thanh toán Checkout, London được xem là trung tâm công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu của châu Âu và thành phố này đang nỗ lực duy trì “ngôi vương” của mình bất chấp những tác động từ Brexit và đầu tư sụt giảm.

Phát biểu tại tuần lễ Fintech ở Anh, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Andrew Griffith khẳng định lĩnh vực này "rất quan trọng đối với nền kinh tế".

 
Sau đó, cũng tại Tuần lễ Fintech, Adam Gagen, người đứng đầu toàn cầu phục trách các vấn đề chính phủ của Revolut, nói rằng trước Brexit, Vương quốc Anh là một nơi tuyệt vời cho lĩnh vực phát triển công nghệ tài chính, cùng với nguồn khách hàng dồi dào.

Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận nào về các dịch vụ tài chính đã gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường và nguồn nhân tài khổng lồ.

Thêm vào đó, lĩnh vực fintech gần đây đã bị rung chuyển bởi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ và tình trạng kinh tế toàn cầu bất ổn, gây ra sự sụt giảm về hoạt động đầu tư và giá trị công ty đi xuống.

Năm 2022, Vương quốc Anh đã chứng kiến hoạt động bơm vốn vào lĩnh vực fintech giảm 56% xuống chỉ còn hơn 17 tỷ USD. Theo một nghiên cứu của công ty kiểm toán KPMG, con số này cũng giảm mạnh trên quy mô toàn cầu, giảm 31% xuống còn khoảng 164 tỷ USD.

Nghiên cứu này cũng lưu ý rằng mặc dù tổng số các thỏa thuận ở Anh giảm, song quốc gia này vẫn là trung tâm đầu tư fintech của châu Âu.

Theo Dealroom, về đầu tư mạo hiểm, hay tài trợ cho các công ty trẻ, lĩnh vực này của Anh đã thu hút 11 tỷ USD trong năm 2022, chỉ sau Mỹ với 33 tỷ USD và cao hơn 6,3 tỷ USD của Ấn Độ.

Anita Kimber, chuyên gia công nghệ tài chính của EY, nói với hãng tin AFP rằng mặc dù lĩnh vực công nghệ tài chính của các nước châu Âu khác cũng đang phát triển, song rất khó để cạnh tranh với London để giành vị trí hàng đầu do hệ sinh thái tài chính đã được thiết lập và lịch sử đổi mới cũng như tiến bộ công nghệ.

Vương quốc Anh hiện có 2.500 công ty fintech, khoảng 70% trong số đó là ở London.

Vương quốc Anh vươn lên dẫn đầu, ít nhất là ở châu Âu, nhờ đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng sáng tạo. Điều này là về mặt thử nghiệm công nghệ và thúc đẩy "ngân hàng mở", cho phép khách hàng kiểm soát tốt hơn việc quản lý tài chính trực tuyến của họ.

Theo ông Gagen, đó là một sức mạnh lịch sử và cần phải làm như thế nào để duy trì sức mạnh đó trong tương lai hiện là một thách thức.

Tháng 11/2022, Vương quốc Anh và Singapore (Xinh-ga-po) đã công bố một thỏa thuận nhằm loại bỏ các rào cản ảnh hưởng đến fintech và các lợi ích khác có thể được đưa vào thỏa thuận hậu Brexit của London với EU về các dịch vụ tài chính.

Để duy trì vị trí đứng đầu, London cũng phải tiếp tục tham gia vào các thay đổi về quy định, đặc biệt là liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, và giữ chân các công ty fintech muốn tiến hành phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ở phố Wall.

Cơ quan quản lý tài chính của Anh cần phải thực hiện nhiệm vụ của mình, bằng cách nới lỏng các quy định về lượng cổ phiếu mà các fintech đưa ra thị trường, và giữ quyền kiểm soát tốt hơn cho những nhà sáng lập.

Gần đây, Chính phủ Anh đã thành lập Trung tâm Tài chính, Đổi mới và Công nghệ (CFIT), hợp tác với thành phố tài chính London, nhằm mục đích phát triển hơn nữa ngành fintech của đất nước.

Chủ tịch CFIT Charlotte Crosswell nhận xét trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh khi lạm phát vẫn ở mức cao, người dân đang cố gắng sử dụng các ứng dụng fintech để tìm ra những cách tốt hơn để tiết kiệm tiền, đáng chú ý là ngày càng có nhiều ứng dụng tiết kiệm tiền xuất hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục