Long An phát triển hạ tầng thương mại biên giới

09:38' - 10/11/2022
BNEWS Các doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư vào khu vực biên giới; đồng thời, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt cho việc giao thương.

Ngày 9/11, Sở Công Thương Long An phối hợp UBND thị xã Kiến Tường tổ chức hội thảo về xúc tiến và thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư...

 
Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, địa phương đã khái quát về hiện trạng hạ tầng biên giới của tỉnh Long An; danh mục các dự án thương mại biên giới cần kêu gọi đầu tư; thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới…

Nêu ý kiến tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng, cần có chủ trương và cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư vào khu vực biên giới; đồng thời, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, đi lại; phát triển nhiều loại hình dịch vụ đi kèm để thu hút phát triển kinh tế - xã hội, thu hút hàng hóa giao thương qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Bà Huỳnh Thị Kim Huyền, đại diện Công ty TNHH San Hà nêu kiến nghị, doanh nghiệp mong muốn có thêm các chương trình liên kết để tìm hiểu môi trường văn hóa, xã hội của nước bạn; có chương trình khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư các loại hình dịch vụ tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, cần có kênh thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu…

Theo bà Châu Thị Lệ - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An, hội thảo được tổ chức nhằm tạo những giải pháp căn bản và đáp ứng kịp thời định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới trở thành khu vực kinh tế năng động. Qua đó, khai thác tiềm năng về đất đai để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành và phát triển khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics dọc biên giới, xây dựng và phát triển kinh tế cửa khẩu...

Long An được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế khu vực biên giới với 133 km đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svây Riêng và Prây-Veng của Vương Quốc Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu Long An được quy hoạch với diện tích hơn 13.000 ha là trục hành lang kinh tế quan trọng, đầu mối giao thương trong vùng Đồng Tháp Mười gắn với các tuyến giao thông xuyên Á.

Mục tiêu đến năm 2030, vùng biên giới của Long An sẽ là trở thành vùng kinh tế năng động, khai thác tiềm năng để phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Khu kinh tế cửa khẩu trở thành hạt nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại, hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Campuchia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục