Luật Lao động nhập cư mới "rút ruột" nguồn nhân công ở Thái Lan

12:56' - 15/07/2017
BNEWS Để hạn chế tình trạng sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp cũng như phòng chống buôn bán người trong lĩnh vực lao động, Chính phủ Thái Lan mới đây đã thông qua Luật Lao động nhập cư mới.
Luật Lao Động Nhập cư mới "rút ruột"nguồn nhân lực Thái Lan. Ảnh minh họa: EPA

Tuy nhiên, luật mới đã gây ra tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế ở nước này và buộc Chính phủ Thái Lan phải tạm hoãn việc thi hành.

Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Lao động nhập cư mới có hiệu lực từ ngày 23/6 vừa qua, bao gồm các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động và hoạt động môi giới lao động nhập cư trái phép.

Sau khi luật mới được ban hành, hàng nghìn người lao động nhập cư đã rời bỏ "đất nước chùa Vàng" về Myanmar và Campuchia hoặc đến các nước láng giềng với hy vọng kiếm kế sinh nhai một cách dễ dàng hơn.

Trong thời gian từ ngày 23/6 đến ngày 28/6, khoảng 60.000 lao động nước ngoài đã rời khỏi Thái Lan và con số này không ngừng tăng lên.

Trước tình hình mất nguồn nhân lực, ngày 1/7, Chính phủ Thái Lan đã quyết định hoãn trong vòng 120 ngày việc thực thi nhiều quy định trong Luật Lao động nhập cư mới, trong đó có việc áp dụng mức phạt lên tới 800.000 baht (23.557 USD) đối với lao động nước ngoài không có giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép lao động.

Điều này là để tạo điều kiện cho chủ lao động và người lao động có thể tìm các giải pháp thích hợp đảm bảo việc làm.

Nhưng bất chấp việc Chính phủ Thái Lan đã trì hoãn luật mới, tính đến ngày 5/7, hơn 34.000 lao động nhập cư Myanmar đã trở về nước.

Theo thống kê, có khoảng 5 triệu lao động nhập cư Myanmar đang sinh sống tại Thái Lan, trong đó 4 triệu người thuộc diện lao động hợp pháp và một triệu người là bất hợp pháp. Tại biên giới Campuchia - Thái Lan, đã có gần 2.000 công nhân và người lao động Campuchia về nước qua cửa khẩu Poipet tính từ ngày 28/5.

Tin tức nói rằng hàng triệu lao động đến từ các nước láng giềng như Campuchia và Myanmar đã đóng vai trò quan trọng trong các ngành kinh tế lớn của Thái Lan như ngành đánh bắt và chế biến hải sản có doanh thu hàng tỷ USD.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI), Suchart Chantaranakaracha, quy định thắt chặt lao động mới sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp và lĩnh vực bán lẻ quy mô nhỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động giá rẻ.

Tại Bangkok, Giám đốc điều hành của một công ty xây dựng, cho biết có tới 80% lao động đã rời khỏi các công trình xây dựng. Trong khi đó, các công ty đánh bắt cá cũng bày tỏ sự quan ngại khi nói rằng gần 30.000 tàu thuyền đang thiếu lao động nước ngoài.

>>>Phạt tù, phạt tiền nặng đối tượng đưa lao động bất hợp pháp vào Thái Lan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục