Lực cản tâm lý – yếu tố khiến đầu tư vào Ấn Độ sụt giảm

05:30' - 29/10/2021
BNEWS Theo tạp chí Eurasia Review ngày 25/10, đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài đã giảm trong đại dịch COVID-19, không loại trừ đầu tư sang Ấn Độ.

Theo thống kê của Nhật Bản, đầu tư của nước này vào Ấn Độ trong năm 2020 đã giảm tới 54,9%, so với mức tăng 30,8% của năm 2019. Trong khi đó, mức giảm đầu tư của "xứ hoa anh đào" vào Trung Quốc lại thấp hơn nhiều so với mức giảm trung bình toàn cầu trong năm 2020. 

Đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc chỉ giảm 7,5%, so với mức trung bình toàn cầu là 33,5% trong năm 2020, bất chấp việc chính phủ nước này không khuyến khích các nhà đầu tư rót vốn vào Trung Quốc. 

Vậy, tại sao các nhà đầu tư Nhật Bản ở Ấn Độ lại trở nên thờ ơ trong thời kỳ đại dịch COVID-19? Một số nhà phân tích cho rằng sự suy giảm lợi nhuận và tình trạng thua lỗ của các nhà đầu tư lớn Nhật Bản tại Ấn Độ đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư Nhật Bản. 

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hơn 50% nhà đầu tư Nhật Bản được tham khảo ý kiến tại Ấn Độ cho biết, họ bị thua lỗ trong năm 2020. Đây là tỷ lệ cao nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới được JETRO khảo sát. Tỷ lệ thua lỗ của các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc lại ở mức thấp, chỉ khoảng 19,5%. Điều này phản ánh rằng các nhà đầu tư Nhật Bản không cảm thấy lo lắng trước sự ngăn cản của chính phủ và muốn tiếp tục đặt niềm tin vào tiềm năng của thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh tình hình đáng lo ngại bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ quy mô lớn, việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tạo ra một lực cản tâm lý đối với các nhà đầu tư Nhật Bản ở Ấn Độ. 

Một số công ty con của nước này tại ASEAN đã thiết lập mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với các nhà đầu tư Nhật Bản tại Ấn Độ theo khuôn khổ của Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN (FTA). Một phần lớn linh kiện, phụ tùng và sản phẩm trung gian được nhập khẩu vào Ấn Độ từ các công ty con này tại ASEAN theo FTA. 

Với việc Ấn Độ đột ngột rút khỏi RCEP vào cuối năm ngoái, các công ty con của Nhật Bản có khả năng chuyển hướng kinh doanh sang các nước thành viên RCEP, những quốc gia cung cấp thị trường lớn hơn và đảm bảo tính bền vững trong tiếp cận miễn thuế. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại sau đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ. Gần 400 mặt hàng đang bị xem xét để tăng thuế hải quan, theo Ngân sách năm 2021-22 của nước này. 

RCEP chiếm khoảng 27% hàng hóa và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Không tính Ấn Độ, quy mô thị trường tính theo nhập khẩu của thỏa thuận này lên tới 4,941 tỷ USD, lớn hơn 10 lần so với quy mô của Ấn Độ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty con của Nhật Bản tại ASEAN hoạt động kinh doanh có lãi. 

Ngoài ra, sự năng động mới trong thương mại toàn cầu, được thúc đẩy bởi khối thương mại đa phương lớn, sẽ thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản vào RCEP. Với tình hình này, có thể phỏng đoán rằng sự gia tăng đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan và Malaysia trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là kết quả của việc chuyển hướng đầu tư của Nhật Bản khỏi Trung Quốc do những chính sách ưu đãi lớn của Tokyo để phân tách khỏi Trung Quốc. 

Tuy vậy, Ấn Độ đã đi sau trong việc nắm bắt cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư của Nhật Bản chuyển khỏi Trung Quốc, sau khi rút khỏi bàn đàm phán RCEP. 

Ấn Độ đã chứng kiến sự thay đổi cơ cấu đầu tư nước ngoài trong đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đầu tư của Nhật Bản giảm mạnh, đầu tư từ các quốc gia giàu có trên toàn cầu, như Mỹ, Singapore, Anh và Hà Lan, đã được thúc đẩy ở Ấn Độ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước tăng hơn 19% trong giai đoạn 2020-2021. 

Các nhà đầu tư Mỹ đã tăng đầu tư hơn 290% trong giai đoạn 2020-2021, tiếp theo là các nhà đầu tư nước ngoài lớn khác như Singapore, Hà Lan và Anh. Nền kinh tế kỹ thuật số được coi là bước ngoặt dẫn đến sự gia tăng đột biến về tiềm năng thu hút FDI của Ấn Độ. Các nhà đầu tư Mỹ đã bị thu hút bởi mục tiêu trở thành thị trường kỹ thuật số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2025 của Ấn Độ. 

Nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số tăng nhanh chóng trong thời kỳ phong tỏa do dịch COVID-19 để giảm bớt nhân sự. Ấn Độ là quốc gia có kết nối Internet lớn thứ hai trên thế giới. Với gần nửa tỷ dân có kết nối Internet và người dùng điện thoại thông minh nhiều thứ hai thế giới, Ấn Độ đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về nền kinh tế kỹ thuật số. 

Trong khi đó, theo khảo sát của McKinsey, trên phạm vi toàn cầu, cuộc chạy đua về chuyển đổi kỹ thuật số của Nhật Bản diễn ra chậm hơn so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và thậm chí cả Ấn Độ. 

Một trong những lý do là sự thiếu khả năng thích ứng với chuyển đổi kỹ thuật số ở Nhật Bản. Nhật Bản không cảm thấy họ đã chuẩn bị đầy đủ cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Các rào cản đối với chuyển đổi số ở Nhật Bản là sự thiếu hụt tài năng và hiểu biết về kỹ thuật số của các nhà quản lý cấp cao các công ty. 

Cuối cùng, việc thiếu sự hỗ trợ từ các nhà quản lý cấp cao cũng đã tạo ra những thách thức đối với chuyển đổi kỹ thuật số ở Nhật Bản. 

Các nhà đầu tư Mỹ đã ủng hộ Ấn Độ trong việc xây dựng một mô hình kinh tế mới để thúc đẩy chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”. Ngược lại, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tụt lại phía sau trong việc theo đuổi tầm nhìn mới của Ấn Độ. Họ tiếp tục tập trung vào nền kinh tế chính thức như ô tô và điện tử. Các ngành công nghiệp ô tô và điện tử là những ngành nhập khẩu nhiều. Tuy nhiên, những ngành này đang đối mặt với những phản ứng dữ dội từ phong trào bảo hộ trong thời kỳ hậu COVID-19. 

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp ô tô ở Ấn Độ, vốn do Nhật Bản thống trị. Trong tháng 4/2020, không một chiếc xe nào được bán ra ở Ấn Độ, lịch sử từ trước đến nay. 

Điều này khiến lợi nhuận hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Ấn Độ giảm mạnh. Sự sụt giảm mạnh về doanh số bán ô tô và cuộc khủng hoảng tài chính trong các ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, liên quan đến các ngành công nghiệp linh kiện ô tô, đã tạo ra tác động suy giảm đối với các nhà đầu tư Nhật Bản tại Ấn Độ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục