Lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức giảm mạnh trong tháng 5

07:09' - 07/07/2021
BNEWS Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê liên bang Đức cho hay, trong tháng 5, lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa do Đức sản xuất giảm mạnh kể từ đợt phong tỏa xã hội đầu tiên do đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do nhu cầu yếu hơn từ các nước ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)  và ít hợp đồng đặt hàng hơn đối với máy móc và hàng hóa trung gian.

Theo báo cáo trên, lượng đơn đặt hàng đối với hàng công nghiệp Đức đã giảm 3,7% trong tháng 5/2021 (số liệu điều chỉnh theo mùa), đánh dấu mức sụt giảm đầu tiên trong năm nay.

Số liệu này đi ngược với dự báo tăng 1% của Reuters và được đưa ra sau khi dữ liệu điều chỉnh cho thấy lượng đơn đặt hàng của Đức trong tháng Tư tăng 1,2%.

Phân tích dữ liệu trên cho thấy, nhu cầu hàng hóa Đức từ nước ngoài giảm 6,7% trong tháng Năm vừa qua, đáng chú ý là lượng đơn đặt hàng từ bên ngoài Eurozone giảm 9,3%. Trong khi đó, nhu cầu trong nước tăng 0,9%.

Nhu cầu đối với tư liệu sản xuất, chẳng hạn như máy móc và phương tiện, giảm 4,6%, trong khi đơn đặt hàng đối với hàng hóa trung gian giảm 3,6%. Dù vậy, đơn đặt hàng cho hàng tiêu dùng vẫn tăng trong tháng 5/2021.

Thomas Gitzel, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng VP bank, cho biết sự sụt giảm trên cho thấy tình trạng thiếu nguyên liệu đang ảnh hưởng mạnh đối với lượng đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nhu cầu mạnh mẽ từ sau đại dịch đối với các loại hàng hóa như đồ nội thất và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe do Đưc sản xuất cũng đang chậm lại và sẽ trở lại mức bình thường.

Nền kinh tế Đức đã suy giảm 1,8% trong quý I/2021 do các quy định phong tỏa xã hội được áp dụng kể từ tháng 11/2020, đã làm giảm chi tiêu hộ gia đình và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đã tạo ra sự gián đoạn trong sản xuất.

Việc nới lỏng các lệnh hạn chế trong ba tháng tính đến cuối tháng Sáu được cho là sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới và các nhà kinh tế đang dự báo về triển vọng tăng trưởng cho mùa Hè năm nay, bất chấp những ách tắc về nguồn cung đang kìm hãm hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục