Lưu ý điểm gì khi xây dựng nhà ở xã hội để tránh việc không thu hút người ở?

15:06' - 14/06/2022
BNEWS Ngày 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, dự thảo đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời lưu ý Sở Xây dựng, các cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng dự thảo cần rà soát, tính toán các nhóm số liệu cụ thể như: đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội, người già, người có công, người khuyết tật để đề xuất phân khúc nhà ở hợp lý.

Dự thảo cần cập nhật nội dụng cụ thể các kế hoạch, đề án đã ban hành trong lĩnh vực này; phải tuân thủ Luật Thủ đô, quy hoạch dân số, quy hoạch đất đai và những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường, điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị với mục tiêu góp phần bình ổn thị trường bất động sản...

Theo Tiến sỹ Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đây là công việc có nội dung rộng, rất phức tạp, yêu cầu có tư duy tổng hợp tốt và sức khái quát với tầm nhìn dài hạn; trong đó, việc thành phố chưa hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là một trở ngại không nhỏ.

Do đó, việc các cơ quan thành phố xây dựng được bản dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 nói trên là một cố gắng lớn. Ngoài ra, việc đánh giá thực trạng phát triển và quản lý nhà ở trên địa bàn là nội dung quan trọng cần bổ sung, hoàn chỉnh thêm để đưa vào nội dung Chương trình này.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo cần nêu cụ thể về dự báo dân số, nhà ở với định lượng cứng. Từ đó, định hướng sàn nhà ở bình quân để tính nhu cầu tổng thể phát triển nhà ở thành phố.

Ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị, dự thảo cần xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua. Về nhà ở tái định cư, dự thảo cần bổ sung cơ chế tạo thuận lợi và thu nhập cho đối tượng giãn dân trong nội đô lịch sử.

Theo dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, thống kê thực tế dân số năm 2020 là khoảng 8,3 triệu người và dự báo đến năm 2025 khoảng 9,1 triệu người.

Đến năm 2030, theo Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 8/12/2020 của UBND thành phố, dân số Hà Nội đạt mức 9,8 triệu người. Theo đó, đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân toàn thành phố khoảng 29,5 m2 sàn/người (xác định theo chỉ tiêu tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND thành phố) và đến năm 2030 là khoảng 32 m2 sàn/người.

Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 cũng dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 là 89 triệu m2 sàn; trong đó, nhà ở xã hội 6,8 triệu m2 sàn, nhà ở tái định cư 2,59 triệu m2 sàn, nhà ở thương mại 34,61 triệu m2 sàn; nhà ở riêng lẻ 45 triệu m2 sàn.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng dự báo giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục