Lý do hàng loạt công trình giao thông trọng điểm ở Đồng Tháp gặp khó

09:03' - 07/06/2024
BNEWS Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp có 25 danh mục công trình giao thông trọng điểm, tổng mức đầu tư hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 23 danh mục công trình do UBND tỉnh quyết định đầu tư.

Xác định giao thông là một trong những nền tảng quan trọng để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, những năm qua, từ các nguồn vốn, tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm. Tỉnh đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn gặp phải về giải phóng mặt bằng, cát san lấp… để các công trình giao thông thi công đảm bảo tiến độ, hoàn thành và phát huy tối đa hiệu quả.

 

Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp có 25 danh mục công trình giao thông trọng điểm, tổng mức đầu tư hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 23 danh mục công trình do UBND tỉnh quyết định đầu tư (12 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020, 11 dự án giai đoạn 2021 - 2025) và 2 danh mục công trình hỗ trợ cấp huyện đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Cụ thể gồm Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT-855 đoạn Tràm Chim - Hòa Bình, đường ĐT-845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước; xây dựng cầu Phú Hiệp và cầu Cà Dâm (huyện Tam Nông); cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 1 (giai đoạn 1); nâng cấp Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh)…

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, trong quá trình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn chung và lớn nhất là khan hiếm nguồn vật liệu cát san lấp và đất đắp lề lường.

Cùng với đó là vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài như: cầu Kênh Tứ tuyến ĐT-844, phía mố MA cầu Chợ Bình Tấn và mố MB cầu Đường Thét tuyến ĐT-857, cầu Hòa Bình và cầu An Bình tuyến ĐT-845. Khó khăn tiếp theo nữa là năng lực nhà thầu thi công suy giảm sau một thời gian triển khai thi công, hồ sơ khảo sát thiết kế đôi khi có sai sót, không phù hợp, phải điều chỉnh phát sinh nhiều lần.

Dự án Xây dựng Bến phà An Phong - Tân Bình và tuyến đường kết nối với tổng mức đầu tư hơn 199,5 tỷ đồng. Dự án có chiều dài gần 5 km, phải thu hồi đất 8,86 ha của 139 hộ, giá trị 35,5 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình Phan Văn Phụng cho biết, đa số các hộ dân đã thống nhất mức đền bù, hỗ trợ và di dời để thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn 5 hộ chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. Chính quyền địa phương và các đoàn thể tiếp tục tiếp xúc, vận động; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. Huyện cũng đang thực hiện trình tự, thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cáp viễn thông, hệ thống cấp nước để dự án triển khai đúng tiến độ.

Dự án Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 1 (giai đoạn 1) dài 16 km, vốn đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng vào tháng 6/2023. Dự án đang triển khai thi công nhưng ngoài gặp khó khăn về nguồn cát đắp nền, còn vướng về giải phóng mặt bằng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Văn Vinh, việc bàn giao mặt bằng “sạch” để thi công công trình cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 1 đạt 100,78 ha/101,14 ha, còn 4 hộ với 4 căn nhà chưa di dời. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang tổ chức chọn nhà thầu di dời đường dây điện cao thế.

Còn Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh) cũng đang gặp vướng mắc tương tự. Công trình này dài gần 15 km, tổng mức đầu tư trên 912 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 nhưng hiện nay, còn vướng giải phóng mặt bằng 4 hộ, 3 trụ đèn chiếu sáng.

Bên cạnh đó, nguồn cát khan hiếm cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Năm 2024, dự án này có nhu cầu về cát hơn 124.000m3 nhưng đến nay vẫn chưa được cung ứng. Theo thiết kế, một số đoạn gia tải xử lý nền đường (thuộc gói thầu số 9 và 11) có thời gian kéo dài qua năm 2025. Vì vậy phải thực hiện thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Qua thống kê sơ bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, tổng nhu cầu cát trong năm 2024 của 8 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, gồm: cao tốc An Hữu - Cao Lãnh thành phần 1 (giai đoạn 1), đường ĐT-845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước, nâng cấp Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh), đường ĐT-857 đoạn Quốc lộ 30 đến ĐT-845… là hơn 3,4 triệu m3. Tuy nhiên, đa số những dự án nói trên vẫn chưa được cung ứng và tiếp nhận cát.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đồng hành cùng các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện những giải pháp phối hợp đồng bộ để kịp thời giải quyết, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang nhiều lần đi kiểm tra thực tế dự án; họp với lãnh đạo các địa phương và sở, ngành để nắm tình hình thực hiện, việc giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm. Qua đó, kịp thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Riêng đối với nguồn vật liệu cát san lấp, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh giải pháp khai thác theo quy định, sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết cung cấp cát cho những công trình giao thông trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho hay, kế hoạch khai thác, sử dụng cát năm 2024 của tỉnh là ưu tiên phục vụ công trình đường cao tốc; sẽ đưa ra đấu giá mỏ cát để phục vụ những công trình đầu tư công. Trong bối cảnh cát khan hiếm, tỉnh sẽ tạo điều kiện, tăng cường cho nhập khẩu cát, ưu tiên cát san lấp để phục vụ các dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục