Lý do khiến chính sách thương mại của Mỹ trong tương lai khó có nhiều đột phá

06:30' - 18/11/2020
BNEWS Về chính sách thương mại, những thay đổi sắp tới dưới thời của ông Joe Biden nếu ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng được nhìn nhận sẽ diễn ra từ từ, thận trọng chứ không thay đổi lớn và triệt để.

Với việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành được lợi thế rõ ràng trong cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra, phần lớn nước Mỹ và cả thế giới đang hy vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường. 

Tuy nhiên, với vấn đề thương mại thì sẽ như thế nào? Dưới đây là phân tích của Tạp chí Chính trị Thế giới (World Politics Affairs).

Nhiều thập kỷ nay, khi nói tới chính sách chính trị thương mại của nước Mỹ, người ta vẫn nhìn nhận rằng phe Cộng hòa nghiêng về tự do hóa thương mại còn phe Dân chủ thường hoài nghi hơn. Nhưng đến thời Tổng thống Trump thì điều đó đã thay đổi hoàn toàn. 

Dù vậy, sau khi Tổng thống Trump áp thuế quan lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu thì các cuộc trưng cầu dân ý lại chỉ ra rằng hầu hết người Mỹ ngày càng ủng hộ thương mại và toàn cầu hóa.

Chính ông Biden đã chỉ trích chính sách thương mại "nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump, nhất là việc chối bỏ chủ nghĩa đa phương. Mặc dù vậy, những thay đổi sắp tới dưới thời của ông Biden nếu ông chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng được nhìn nhận sẽ diễn ra từ từ, thận trọng chứ không thay đổi lớn và triệt để.

Chủ nghĩa bảo hộ hay toàn cầu hóa?

Trong nhiều thập kỷ còn hoạt động trong Thượng viện và sau đó trở thành Phó Tổng thống thời ông Obama, ông Biden luôn là một nhân vật Dân chủ khá truyền thống và trung hòa. Đôi khi ông cũng nghiêng về hướng cực tả như Tổng thống Bill Clinton - người đã đưa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thông qua ở Quốc hội và để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). 

Dưới vai trò nghị sĩ thượng viện, ông Biden ủng hộ cả hai bước đi này nhưng cũng bỏ phiếu chống một số hiệp định thương mại tự do song phương do Chính quyền Tổng thống George W. Bush đứng ra đàm phán. 

Ông Biden cũng chia sẻ mối quan ngại ngày càng lớn của Washington về đường hướng của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình song cũng chỉ trích các loại thuế quan do Trump áp lên hàng nhập khẩu bởi cho rằng điều đó khiến người tiêu dùng Mỹ phải gánh thêm thuế.

Ngoài những tính toán thận trọng sẽ phải cân nhắc đối với chính sách thương mại, ông Biden cũng phải đối mặt với tình hình bất bình đẳng ngày càng tăng và quan niệm của nhiều người cho rằng chính toàn cầu hóa là gốc rễ gây ra vấn đề đó.

Giới quan sát chính trị và các chính sách của Mỹ đều cho rằng sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ và cả tầm ảnh hưởng của ông Trump - rõ ràng chính Trump cũng nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu trong kỳ bầu cử vừa qua - có nguồn gốc từ nỗi lo ngại của dân Mỹ về ảnh hưởng của thương mại và tình hình nhập cư.

Chuyên gia Stewart Patrick gần đây đã có bài viết cho rằng nhiều người Mỹ đã mất niềm tin vào toàn cầu hóa khi thấy sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế sau thời Đại suy thoái, người Mỹ mất việc do phải cạnh tranh với Trung Quốc và tình hình nhập cư gia tăng, cả hợp pháp và bất hợp pháp, khiến nhiều người cảm thấy những vấn đề đó thách thức bản sắc dân tộc của nước Mỹ.

Thực tế này, cộng với vai trò của các bang "Vành đai rỉ sắt" như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin một lần nữa được chứng tỏ trong kỳ bầu cử vừa qua, cho thấy viễn cảnh chính sách thương mại mà chính quyền của ông Biden phải đưa ra cũng mờ mịt không kém.

Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu mới cách đây vài tháng do Hội đồng Chicago tiến hành cho thấy nhiều người Mỹ có thái độ khá lạc quan về thương mại và toàn cầu hóa, nhất là những người ủng hộ phe Dân chủ. Có tới 65% người được hỏi và 75% người ủng hộ Dân chủ được hỏi cho biết họ thấy toàn cầu hóa nhìn chung vẫn tốt cho nước Mỹ.

Khoảng hơn một nửa số người được hỏi là cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, trong đó 55% đồng tình với ý kiến trên – giảm 10% so với mức 65% mà kết quả khảo sát hồi 2006 đưa ra ngay trước khi thời điểm Đại Suy thoái xảy ra. Về thương mại, có tới 82% người được hỏi cho rằng thương mại tự do có lợi cho người tiêu dùng và khoảng 59% cho rằng chính thương mại đã giúp tạo thêm việc làm.

Khảo sát hồi 2018 của Pew, Trung tâm Nghiên cứu uy tín của Mỹ, cũng cho thấy những người được hỏi khá lạc quan về tình hình thương mại nhưng chỉ có 36% tin rằng thương mại mang lại việc làm và chỉ có 31% cho biết thương mại cũng khiến lương của người lao động được tăng.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Trump gán cho thương mại tự do cái mác là "kẻ giết chết việc làm" thì quan điểm của người Mỹ cho rằng thương mại tạo ra việc làm vẫn tăng 16% so với kết quả khảo sát năm 2014.

Trong khảo sát xu hướng dài hạn do Gallup tiến hành đều đặn từ năm 1992, trong đó tìm hiểu quan điểm của người Mỹ coi thương mại là cơ hội hay là mối nguy đe dọa tăng trưởng kinh tế thì kết quả đầu năm nay cho thấy có tới 79% số người được hỏi nhìn nhận thương mại theo chiều hướng tích cực và đây là con số rất cao.

Tất nhiên qua hai kỳ bầu cử của nước Mỹ vừa qua thì tất cả đều hiểu rằng khảo sát không phải lúc nào cũng chính xác. Nhưng rõ rằng các cuộc khảo sát không hề cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ xu hướng ủng hộ bảo hộ thương mại hay chống toàn cầu hóa. Trên thực tế, lý thuyết kinh tế chính trị của vấn đề thương mại luôn phức tạp hơn nhiều.

Các ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống thường tranh cử trên tư thế những người hoài nghi thương mại nhưng chính sách của họ sau khi đắc cử thường lại ủng hộ thị trường mở.

Còn các ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử, ít nhất là tính tới thời trước ông Trump, thường kêu gọi tự do hóa thương mại nhưng sau đó cũng phải chào thua sức ép chính tị trong nước và thay đổi hẳn sau khi nhậm chức.

Khó có những thay đổi triệt để

Vậy nếu chính thức lên làm Tổng thống, ông Biden sẽ giải quyết vấn đề thương mại như thế nào? Ưu tiên đầu tiên có lẽ là ông cần làm gia tăng sức cạnh tranh của Mỹ và đầu tư cho giáo dục, y tế và các chính sách trong nước khác nhằm cải thiện đời sống người dân Mỹ.

Ngoài ra, ông cũng cần xây dựng lại lòng tin đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á như chính ông đã từng tuyên bố rằng đường hướng đa phương sẽ hiệu quả hơn là chỉ thách thức những chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc.

Như vậy, ông Biden sẽ có thể cân nhắc gỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm mà hiện nay đang đánh vào chính các đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ là chính, chứ không phải đánh vào Trung Quốc.

Cam kết của ông Biden về chống biến đổi khí hậu có thể dẫn tới đảo ngược mức thuế đối với các sản phẩm dùng năng lượng Mặt Trời. Trong khi đó, nhiều khả năng chính quyền ông Biden cũng sẽ phải quyết những "tàn dư" của tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay và thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số.

Đối với mối quan hệ Mỹ-Trung, mặc dù ông Biden đã từng nói trong lúc tiến hành chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ bãi bỏ những loại thuế quan mà ông Trump đã áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc để trả đũa cho những chính sách công nghiệp và thương mại bất công của nước này, song chính những trợ lý của ông sau đó đã chữa lại là ông sẽ xem xét cụ thể các loại thuế quan này trước khi quyết định.

Thật vậy, ông Biden khó mà chịu gỡ bỏ thuế quan cho Trung Quốc nếu không đổi lại được gì. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông sẽ đưa ra một số ngoại lệ cho phép nhập những hàng hóa phục vụ việc chống đại dịch COVID-19, nhất là những loại hàng mà nếu Mỹ tự sản xuất thì đắt đỏ hơn nhiều.

Ngoài việc hợp tác với các đồng minh để có được thỏa thuận tốt hơn với Trung Quốc hơn là thỏa thuận giai đoạn một mà Chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được, chắc chắn ông Biden sẽ không ưu tiên cho các thỏa thuận thương mại tự do mới trên bàn nghị sự sắp tới của ông. 

Dù vậy, việc mong đợi những thay đổi lớn trong một thể chế từ lâu đã tê liệt khả năng đàm phán vốn bắt nguồn từ những vấn đề đã tồn tại từ lâu trước thời Tổng thống Trump và sẽ còn kéo dài kể cả sau khi Trump rời Nhà Trắng là điều khó khăn.

Tóm lại, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ mang tính thận trọng, từ từ hơn là thay đổi triệt để, ít ra là trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, đó cũng là điều người ta chờ đợi, sau 4 năm luôn phải đối mặt với quá nhiều quyết định bất ngờ, khó đoán định./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục