Lý do khiến Indonesia thiếu sức hút FDI trong lĩnh vực sản xuất

05:30' - 24/09/2019
BNEWS Báo Jakarta Post mới đây đăng bài viết với tựa đề: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự không đến Indonesia?”, với nội dung xoay quanh chủ đề kinh tế đang nhận được sự quan tâm thời gian gần đây.
Toàn cảnh Jakarta, Indonesia, ngày 2/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không đến Indonesia - Đó là thông điệp mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong nhận định gần đây nhất về nền kinh tế Đông Nam Á này. Bằng chứng được trích dẫn là có đến 33 nhà đầu tư đã rời khỏi Trung Quốc kể từ tháng Sáu đến nay, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng không có một nhà đầu tư nào lựa chọn Indonesia làm nơi thay thế.

Điều này đã thu hút sự chú ý của Tổng thống Jokowi, bởi lâu nay các chính sách kinh tế của ông luôn chú trọng vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, Tổng thống đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành liên quan đến FDI phải tạo điều kiện để giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng. 

Có một thực tế quan trọng là tổng vốn FDI ở Indonesia vẫn đang tăng. Sau khi không nằm trong danh sách điểm đến FDI trong vài năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998, Indonesia đã trở lại danh sách 10 điểm đến hàng đầu thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, nhờ những cải cách quan trọng dưới thời cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước cải thiện.

Tổng thống Jokowi tiếp tục chính sách thân thiện với FDI khi ông nhậm chức vào năm 2014 và dòng vốn FDI chảy vào Indonesia tiếp tục tăng. Về danh nghĩa, dòng vốn FDI vào Indonesia trong năm 2018 tăng 7,8 tỷ USD so với lưu lượng trung bình hàng năm của giai đoạn 2008-2016, cao hơn mức tăng của Ấn Độ và Việt Nam trong cùng kỳ, lần lượt là 6,5 và 6,2 tỷ USD. Vậy, tại sao lại cho rằng rằng FDI không đến Indonesia?

Hầu hết vốn FDI đổ vào Indonesia trong vài năm qua đã được chuyển sang các lĩnh vực phi sản xuất. Năm lĩnh vực hàng đầu thu hút FDI ở Indonesia là năng lượng tái tạo, khai thác, hóa chất, bất động sản và kim loại. Tiếp đó, các lĩnh vực được lựa chọn là các dịch vụ như khách sạn, công nghệ thông tin và tài chính.

Nói rộng hơn, FDI vào ngành công nghiệp sản xuất ở Indonesia đã bị thu hẹp trong vài năm qua, trong khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang tăng mạnh. Trên góc độ nào đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nhìn thấy thế mạnh của Indonesia ở các lĩnh vực khác không phải ngành sản xuất. Các nhà đầu tư đến Indonesia, họ bị hút vào tài nguyên thiên nhiên, du lịch và các ngành dịch vụ đang bùng nổ khác. Trong lĩnh vực chế tạo, chỉ có lĩnh vực sản xuất ô tô thu hút được một số ít nhà đầu tư để khai thác thị trường nội địa. 

Đây chính là nền tảng giải thích tại sao 33 nhà đầu tư đã bỏ qua Indonesia. Căng thẳng thương mại về bản chất gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Vì vậy, khi các nhà đầu tư cần tìm một “ngôi nhà mới”, họ sẽ xét đến những nơi cũng định hướng xuất khẩu. 

Việt Nam đi trước hầu hết các nước châu Á khác về mặt này, vì nước này luôn đặt mục tiêu chiến lược tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu lên đầu. Một chính sách FDI tiến bộ hỗ trợ điều đó. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một hệ thống giáo dục tốt, có khả năng tạo ra lượng lớn lao động lành nghề có thể tham gia vào một loạt ngành sản xuất. Cùng với đó, sự thuận tiện về mặt địa lý cũng giúp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào.

Ngân hàng Thế giới khuyên Chính phủ Indonesia điều chỉnh các chính sách để lấy lại uy tín, cũng như tuân thủ quy định FDI. Đây là điều mà Chính phủ nước này đã và đang làm để thúc đẩy FDI tăng dần trong vài năm qua. Tuy nhiên, để làm được điều đó, những thách thức dài hạn về thị trường lao động không linh hoạt cần được giải quyết. Các trường học và cao đẳng cần tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng tốt hơn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các ngành công nghiệp. 

Cùng với đó, các ngành định hướng xuất khẩu của Indonesia không chỉ cần một chính sách thân thiện với FDI mà họ cần những chính sách tiến bộ để thu hút các nhà đầu tư sản xuất. Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam là những ví dụ về các quốc gia được hưởng lợi từ các chính sách FDI tiến bộ.

Có những chi phí liên quan đến chính sách FDI tiến bộ. Một trong số đó là chấp nhận một số lượng nhỏ lao động nước ngoài đến sống và làm việc. Những chính sách này mang lại lợi ích lớn hơn nhiều, có thể kể đến như gia tăng việc làm hiệu quả, đưa vào chuỗi giá trị toàn cầu và quan trọng hơn là mở ra cơ hội học tập rộng hơn và là một phần của đổi mới công nghệ toàn cầu.

Để đảm bảo các nhà đầu tư đến Indonesia và ở lại đây, Chính phủ cần đảm bảo tất cả các bộ phận chuyên ngành về FDI cần hoạt động trơn tru và đồng bộ theo khuôn khổ để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục