Malaysia: Giải pháp nào để vượt "bẫy" thu nhập trung bình?

06:30' - 03/04/2019
BNEWS Malaysia cần tiến hành hàng loạt cải cách về vấn đề phân quyền trong việc ra quyết định, nhằm xây dựng một nền kinh tế trí thức và đưa nước này bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

No Title

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: AFP/TTXVN

Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của Malaysia đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, song quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt với "bẫy" thu nhập trung bình và khó có được sự tăng trưởng tổng thể về mặt xã hội.

Trang mạng Diễn đàn Đông Á vừa đăng bài viết của Giáo sư Wing Thye Woo đến từ Đại học Sunway University, Malaysia với nhận định rằng để tiếp tục phát triển và vượt "bẫy" thu nhập trung bình, Malaysia cần thực hiện chính sách phân quyền.

Theo đó, Malaysia cần tiến hành hàng loạt cải cách về vấn đề phân quyền trong việc ra quyết định, nhằm xây dựng một nền kinh tế trí thức và đưa nước này bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cốt lõi chính sách hiện hành của Malaysia có gốc rễ từ Chính sách kinh tế mới (NEP) những năm 1970 và đối tác chính trị- xã hội của nó là chính sách “Ưu thế của người Mã Lai”. NEP đã thành công trong việc tạo dựng một tầng lớp trung lưu người Mã Lai lớn mạnh, hiểu biết, có kỹ năng và tự tin về bản thân.

Song nhiều người cũng nhận ra rằng, hai chính sách có gốc gác từ quá khứ này không đủ khả năng để chuyển đổi Malaysia thành một quốc gia phát triển.

Để đáp ứng những yêu cầu mới, Malaysia cần cấp thiết tiến hành cải cách trong ba lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cả ba lĩnh vực này đều liên quan đến sự phân quyền trong việc ra quyết định.

Thứ nhất, cơ cấu hành chính của cấp bang như hiện nay đã hạn chế tính sáng tạo trong việc ra chính sách và cản trở việc giám sát một cách hiệu quả. Chính phủ liên bang lớn và cồng kềnh hơn nhiều so với các chính phủ cấp bang, đồng thời có quyền lực không cân xứng.

Sự tương phản trong quyền sử dụng ngân sách phản ánh sự thiếu cân bằng giữa chính phủ liên bang và bang. Chính phủ liên bang có quyền áp đặt thuế thu nhập và bán hàng.

Trong khi đó, chính phủ cấp bang chỉ có thể dựa vào những giao dịch liên quan đến đất đai và phí đánh vào những hạng mục nhỏ, như giấy phép bán hàng rong chẳng hạn, để có thể có ngân sách tự chủ. Việc cung cấp hầu hết các dịch vụ công được thực hiện thông qua các chi nhánh của các bộ liên bang hoạt động tại cấp bang.

Chi tiêu của cấp bang có được nhờ vào những khoản phân bổ tài chính của chính phủ liên bang và số lượng được phân bổ phụ thuộc vào những tính toán chính trị.

Dưới thời chính phủ tiền nhiệm do Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) lãnh đạo, các bang do phe đối lập kiểm soát nhận được những khoản ngân sách nhỏ hơn nhiều so với các bang do BN nắm quyền. Chính phủ cấp bang bị cấm vay mượn để cấp vốn cho các dự án phát triển.

Điều này có nghĩa rằng các chính phủ cấp bang không có khả năng tạo quỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết giúp giải quyết các nút thắt trong sản xuất tại địa phương.

Muốn tăng trưởng, các chính phủ cấp bang nên được trao quyền lên kế hoạch và thực hiện các chiến lược phát triển của chính mình. Sự phân quyền hiệu quả đòi hỏi mỗi chính phủ cấp bang phải có bộ máy dịch vụ dân sự của chính mình.

Các bang cũng cần nhận được “miếng bánh” lớn hơn từ ngân sách thuế, căn cứ trên các yếu tố như giai đoạn phát triển và đóng góp về thuế cho liên bang.

Các bang cần được cho phép vay mượn để cấp vốn cho các dự án hạ tầng tại địa phương, với cam kết rằng sẽ không có sự cứu trợ của liên bang. Họ cũng cần được trao cho những trách nhiệm trọng yếu vốn đang do các bộ ngành cấp liên bang nắm giữ.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai, là cải cách các tập đoàn liên quan đến chính phủ (GLC). GLC hiện đang lấn át khu vực tư nhân, làm giảm động lực kinh tế. Các tập đoàn này cũng khiến tình trạng tham nhũng diễn ra, làm tăng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập.

Về mặt lý thuyết, các GLC có thể hoạt động tốt, song trên thực tế không phải như vậy. Các quan chức có thể sử dụng các GLC như một sự bảo trợ về chính trị và làm bình phong cho tham nhũng cá nhân. GLC là sản phẩm mang tính chính trị chứ không phải là các công cụ kinh tế của đất nước.

Cạnh tranh giữa các GLC và các công ty tư nhân về bản chất là không công bằng và có hại cho sự phát triển nói chung của nền kinh tế đất nước.

Bất chấp việc các GLC có hoạt động kém hiệu quả như thế nào, chúng vẫn luôn được chính phủ cứu trợ. Các GLC phá hoại động lực kinh tế bằng cách mua luôn những đối thủ cạnh tranh tư nhân hoạt động hiệu quả hơn.

Tệ hơn nữa, các GLC này còn ngăn cản sự phát triển của một cộng đồng doanh nghiệp Mã Lai năng động bằng cách lôi kéo các doanh nhân người Mã Lai có năng lực ra khỏi khu vực kinh tế tư nhân và đưa họ vào các vị trí công việc dễ chịu và lâu dài trong các GLC.

Nhiệm vụ cải cách kinh tế quan trọng thứ ba là đa dạng hóa và mở rộng hệ thống ngân hàng. Cơ cấu độc quyền của lĩnh vực tài chính phá hoại hoạt động kinh tế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập thông qua việc ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến Chính phủ Malaysia tin rằng hệ thống ngân hàng sẽ ít bị khủng hoảng hơn nếu các nhà quản lý có thể kiểm soát chúng dễ dàng hơn. 

Kết quả của tư tưởng này là việc buộc các ngân hàng nhỏ sáp nhập thành 10 ngân hàng lớn vào năm 2000. Hành động này đã biến các công ty đầu tư nhà nước trở thành cổ đông chi phối trong hầu hết các ngân hàng thương mại, tạo ra sự độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

Các ngân hàng này chậm chạp trong việc áp dụng những phương pháp chi trả nhanh gọn cũng như trong việc cung cấp các sản phẩm tài chính mới. Bên cạnh đó là sự đối xử không đúng đắn với các khách hàng nhỏ lẻ và sự thiên vị trong việc cho các GLC vay vốn. 

Cải cách lĩnh vực ngân hàng đồng nghĩa với việc cho phép các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ hồi sinh, giảm bớt việc nắm giữ cổ phần của chính phủ trong các ngân hàng và loại bỏ hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài cũng như hoạt động của họ.

Về bản chất, Chính sách NEP chính là “Ưu thế của sự tập trung hóa” trong lĩnh vực kinh tế, thể hiện thông qua việc chính phủ liên bang có quá nhiều quyền hạn hay việc các GLC có quá nhiều ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất hoặc sự độc quyền của hệ thống ngân hàng trong lĩnh vực tài chính. 

NEP không thể huy động toàn bộ năng lực trí tuệ của Malaysia trong việc tạo dựng một nền kinh tế trí thức bởi nó ngăn cản những nhân tố xuất sắc thâm nhập các thể chế kinh tế - xã hội, gây ra tình trạng chảy máu chất xám và tẩu tán vốn.

Để giúp Malaysia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chính sách này cần được loại bỏ ra khỏi hệ thống chính sách công, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế trí thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục