Malaysia nỗ lực duy trì đà phục hồi đầu tư nước ngoài

05:30' - 12/05/2022
BNEWS Sự phục hồi đáng kể FDI của Malaysia vào năm 2021 được ca ngợi quá mức trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là khi FDI đã giảm kể từ năm 2016.

Tiến sỹ Tham Siew Yean, Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Malaysia nhận định, Malaysia luôn coi trọng các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ sự đóng góp vào tạo việc làm, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ cũng như giúp nước này tham gia vào các mạng lưới sản xuất trong khu vực.

Do đó, không ngạc nhiên khi sự phục hồi đáng kể FDI của Malaysia vào năm 2021 được ca ngợi quá mức trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là khi FDI đã giảm kể từ năm 2016.

Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Malaysia đã tăng đáng kể từ năm 2020-2021, với khoản đầu tư 2021 tăng gần 3 lần từ 6,9 tỷ RM (1,58 tỷ USD) lên 29,8 tỷ RM (6,81 tỷ USD). Sự phục hồi vào năm 2021 đã đi ngược lại xu hướng 5 năm qua do tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vượt xa tỷ trọng đầu tư vào dịch vụ vào năm 2021.

Có một số yếu tố đã góp phần vào sự phục hồi. Bên ngoài, FDI toàn cầu tăng 77% sau khi thu hẹp vào năm 2020. Trong nước, Malaysia duy trì lập trường cởi mở đối với FDI bất chấp những thay đổi đột ngột trong chính quyền và quá trình chuyển đổi chính quyền đều diễn ra rất ôn hòa. Chủ trương xúc tiến đầu tư với các ưu đãi thu hút FDI đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi này.

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra cũng tạo ra những cách thức thuận lợi cho đầu tư. Vào năm 2020, Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) đã thành lập Đơn vị Điều phối và Đẩy nhanh Dự án (PACU) để tạo điều kiện thuận lợi xuyên suốt trong việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các dự án đã được phê duyệt. Từ năm 2016-2020, 70% các khoản đầu tư sản xuất được phê duyệt. Riêng năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên 80%.

Sau đó, MIDA đã cải thiện các biện pháp thúc đẩy và tạo điều kiện. Cổng thông tin InvestMalaysia duy nhất được ra mắt vào tháng 3/2021 để các nhà đầu tư gửi và quản lý đơn đăng ký trực tuyến, bao gồm phê duyệt giấy phép sản xuất, ưu đãi và miễn thuế hải quan.

Nỗ lực số hóa này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình phê duyệt để tạo điều kiện tăng thêm vốn FDI. Tương tự, Ngân sách năm 2022 của Malaysia phân bổ quỹ đặc biệt lên tới 2 tỷ RM để thu hút FDI chiến lược, góp phần mang lại nhiều vốn FDI hơn trong năm 2022.

Các yếu tố thuận lợi khác bao gồm sự thiếu hụt chip máy tính trên toàn cầu, do sự gia tăng của COVID-19 trong làm việc, học tập, giải trí trực tuyến, cũng như thương mại điện tử đã đòi hỏi nhu cầu lớn đối với các sản phẩm sử dụng chip.

Với kinh nghiệm hoạt động 50 năm và đóng góp 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điện và điện tử hàng năm của Malaysia, Intel dự báo sự thiếu hụt này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023. Do đó, tập đoàn này sẽ tăng thêm các khoản đầu tư toàn cầu, bao gồm cả Malaysia, với khoản đầu tư 30 tỷ RM trong Mười tới. 

Công ty Infineon của Đức cũng có kế hoạch mở rộng các khoản đầu tư thêm 3,25 tỷ RM trong lĩnh vực tương tự. Đây là một phần của sự gia tăng đột biến trong các khoản đầu tư sản xuất được phê duyệt vào năm 2021, lên tới 144,7 tỷ RM, tương đương 69% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt trong cùng năm.

Sự gia tăng mạnh mẽ trong các khoản đầu tư được phê duyệt đã khiến Viện Milken xếp Malaysia là quốc gia Đông Nam Á mới nổi có tiềm năng thu hút FDI nhất.

Tuy nhiên, các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi hơn đang xuất hiện trong năm 2022. Triển vọng toàn cầu về FDI năm 2022 dự kiến sẽ sụt giảm do sự phục hồi năm 2021 được thực hiện thông qua các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong các gói kích thích phục hồi do đại dịch COVID-19, trong khi các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh gần như trì trệ và phản ánh sự thiếu niềm tin của nhà đầu tư.

Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn toàn cầu, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

Trước những bất ổn gia tăng của môi trường bên ngoài, Malaysia đang có xu hướng khuyến khích xúc tiến đầu tư thông qua các biện pháp khuyến khích kể từ năm 2022. 

Trong khi việc sử dụng các biện pháp khuyến khích tài khóa và phi tài khóa là những công cụ phổ biến để thu hút FDI, những ưu đãi này không phải là không có chi phí về nguồn thu thuế tất yếu. 

Ngân hàng Trung ương Malaysia đã ước tính rằng chi phí ưu đãi dao động từ 10-15 tỷ RM/năm từ năm 2010-2015, tương đương 0,8-1,3% GDP hoặc 6,0-8,9% doanh thu thuế của chính phủ. Nhiều ưu đãi và phân bổ đặc biệt để thu hút thêm vốn FDI là khó có thể tạo được sự bền vững do nhu cầu gia tăng trong thu ngân sách của chính phủ sau hai năm tung ra các gói kích thích tài khóa bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch COVID-19.

Malaysia có lẽ cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi đầu tư, qua đó giúp các nhà đầu tư dễ dàng thành lập và mở rộng hoạt động cũng như tiến hành công việc kinh doanh thường xuyên tại các nước sở tại. Về vấn đề này, việc thúc đẩy các dịch vụ sau đầu tư và chăm sóc hậu mãi các nhà đầu tư để hiện thực hóa khoản đầu tư sau khi được phê duyệt sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Những nỗ lực của Malaysia trong việc giải quyết các mối quan tâm và nhu cầu của nhà đầu tư (như thông qua khảo sát chính thức hàng năm) có thể giúp duy trì đầu tư cũng như khuyến khích tái đầu tư.

Duy trì sự phục hồi của FDI năm 2022 và những năm tiếp theo không thể chỉ phụ thuộc vào việc khuyến khích đầu tư nhiều hơn. Với nhiều bất ổn vẫn còn ở phía trước, các can thiệp chính sách nhằm tăng cường thuận lợi hóa đầu tư có thể còn là chặng đường dài trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục