Malaysia vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI

08:05' - 14/02/2025
BNEWS Malaysia vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI vào sản xuất và dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng tương đối tốt, lực lượng lao động trẻ, vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng điện...

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Malaysia dự kiến vẫn mạnh trong dài hạn, nhưng có thể có những tác động trong ngắn hạn, khi các doanh nghiệp xem xét quyết định đầu tư bởi lo ngại tình trạng bất ổn toàn cầu gia tăng.

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Malaysia, những bất ổn do rủi ro địa chính trị gây ra trong thời gian qua đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện thay đổi chính sách thuế quan và “khơi mào” cho một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế xem kịch bản này là bước lùi tạm thời vì nền tảng kinh tế của Malaysia vẫn vững chắc. Hơn nữa, việc ông Trump hoãn áp thuế đối với Canada và Mexico có thể làm giảm khả năng bùng nổ cuộc chiến thương mại.

Chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC khu vực Đông Nam Á, Yun Liu, cho biết vẫn còn rất nhiều bất ổn về rủi ro thuế quan trong tương lai. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng trong thời gian tới, khi xem xét các kế hoạch đầu tư không chỉ ở Malaysia mà còn ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác.

Mặc dù vậy, chuyên gia Yun Lin khẳng định vẫn có lý do để tin vào triển vọng tăng trưởng của Malaysia, vì sức hút FDI thường tập trung vào các yếu tố cơ bản dài hạn.

Nhà kinh tế Nadia Mazlan của công ty RAM Rating Services Bhd phân tích, trong ngắn hạn, mối nguy hiểm từ các mức thuế quan tiềm năng của Tổng thống Trump có thể khiến các nhà đầu tư kiềm chế các quyết định đầu tư của họ. Điều này có thể làm suy yếu FDI vào Malaysia.

Nhưng khi sự lo lắng dịu đi, các mức thuế mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc có thể thúc đẩy nhiều công ty sản xuất nỗ lực đa dạng hóa nơi sản xuất và triển khai chiến lược Trung Quốc +1.

Việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng này có thể dẫn đến gia tăng đầu tư vào ASEAN, bao gồm cả Malaysia, như đã diễn ra trong cuộc chiến thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2018, khi cuộc chiến thương mại đầu tiên nổ ra, FDI ròng của Malaysia giảm xuống còn 30,7 tỷ RM (7,7 tỷ USD) từ mức 40,4 tỷ RM vào năm 2017, trước khi tăng lên 32,4 tỷ RM vào năm sau đó.

Nếu lịch sử lặp lại, tính khó lường của các chính sách thương mại do Tổng thống Trump ban hành có thể cản trở tâm lý nhà đầu tư trong thời gian tới, dẫn đến dòng vốn FDI ròng vào Malaysia năm 2025 ở mức vừa phải hơn so với năm 2024.

Chuyên gia Nadia Mazlan cũng lưu ý các khoản đầu tư vốn nước ngoài thường được thực hiện để thúc đẩy các mục tiêu và mục đích dài hạn của một thực thể. Do đó, các khoản FDI đã cam kết tại Malaysia khó có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động địa chính trị ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng OCBC về ASEAN, Lavanya Venkateswaran, nhận định dòng vốn FDI vào Malaysia sẽ vẫn ổn định trong năm nay, vì bất chấp những biến động toàn cầu, nền tảng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây.

Theo chuyên gia này, Malaysia vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI vào sản xuất và dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng tương đối tốt, lực lượng lao động trẻ, vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng điện và điện tử (E&E) và hàng hóa.

Những yếu tố lợi thế đó sẽ tiếp tục đứng vững ngay cả trong năm 2025. Điều này được bổ sung bởi động thái thúc đẩy đa dạng hóa tăng trưởng của chính phủ trên khắp cả nước - ví dụ thành lập Khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (SEZ) - tạo điều kiện thuận lợi, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thực hiện các kế hoạch kinh tế trung hạn sẽ giúp dòng vốn FDI vào Malaysia luôn được hỗ trợ tốt.

Thực tế, Malaysia ghi nhận dòng vốn FDI (trên cơ sở cán cân thanh toán) là 29,1 tỷ RM trong ba quý đầu năm 2024, cao hơn khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Xu hướng dòng vốn FDI đang tăng và điều này cũng được phản ánh trong các phê duyệt đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau - trong ba quý đầu năm 2024 Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) đã phê duyệt 254,7 tỷ RM các khoản đầu tư.

Trên thực tế, triển vọng đầu tư vào Malaysia trong năm 2025 nhiều hứa hẹn, khi FDI dự kiến sẽ tăng từ 10-15% trong năm tài chính hiện tại. Malaysia đã tạo ra chỗ đứng riêng như một trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và trung tâm dữ liệu đáng tin cậy cho thị trường toàn cầu trong 3 - 4 năm qua.

Các động lực chính thu hút dòng vốn FDI vào nước này bao gồm quỹ đạo tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định kinh tế vĩ mô, triển vọng tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Malaysia, lực lượng lao động am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đại và vị trí địa lý chiến lược của nước này trong khu vực.

Nhà kinh tế trưởng Ray Choy của MARC Ratings Bhd dự báo Malaysia sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc chuyển hướng thương mại, vì các chính sách thuế quan của Mỹ vẫn chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, với khả năng đàm phán lại nếu Trung Quốc áp dụng lập trường địa chính trị ít quyết đoán hơn. Mặc dù Mỹ đã bắt đầu với mức thuế bổ sung 10% nhưng cách tiếp cận có tính toán này vẫn phải xem xét lại và phụ thuộc vào chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.

Do vậy, đối với Malaysia, bên cạnh tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các khía cạnh hữu hình hỗ trợ FDI - bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giá thuê cạnh tranh và các tiện ích được kết nối tốt, quốc gia Đông Nam Á này cần giải quyết một số yếu tố vô hình có thể thúc đẩy hơn nữa dòng vốn FDI.

Nhà kinh tế trưởng Ray Choy nhấn mạnh điều quan trọng là không được bỏ qua các lĩnh vực cơ bản trong quá trình theo đuổi các lĩnh vực tăng trưởng cao, có giá trị cao, đặc biệt là mục đích an ninh nông nghiệp vì sự phong phú về sinh thái của Malaysia là thế mạnh tự nhiên cần được tận dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục