Mặt hàng gạo của Kiên Giang tăng trưởng nhiều nhất trong nhóm hàng hóa xuất khẩu

15:11' - 28/07/2023
BNEWS Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 500 triệu USD, đạt 58,14% kế hoạch và tăng 3,75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2022, gạo 174,62 triệu USD, tăng 48,16%; hải sản 130,21 triệu USD, giảm 16,87%; giày da 113,68 triệu USD, tăng 9,76%; hàng khác 79,72 triệu USD, giảm 19,67%.

 

Theo đó, hoạt động kinh tế ngoại thương của Kiên Giang trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, sức mua của thị trường toàn cầu, nhất là các thị trường chủ lực như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tác động đến sản lượng cũng như giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 7 tháng đầu năm nay.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 36 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu hàng hóa qua hơn 40 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 87% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các mặt hàng chủ lực gồm: gạo xuất khẩu qua 8 thị trường, với các thị trường chiếm kim ngạch lớn là Trung Quốc, Indonesia, Ghana; thủy hải sản xuất khẩu qua 35 thị trường, với các thị trường chiếm kim ngạch lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; giày da xuất khẩu qua 3 thị trường là Hồng Kông, Mỹ, châu Âu.

 

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phục hồi sản xuất đã phát huy hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội, tín dụng, lao động... giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doành cùng với sự tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, tìm kiếm mở rộng thị trường, triển khai thực hiện kịp thời các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu hàng hóa.

Ngành chức năng tỉnh cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP và tổ chức Hội nghị cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế cho đối tượng là cán bộ chủ chốt tỉnh; thông tin tình hình giá cả, thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp để chủ động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh gặp nhiều khó khăn do số lượng tàu ra khơi đánh bắt giảm, ngư trường ngày càng cạn kiệt. Một số thị trường truyền thống đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, nhất là yêu cầu về xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC).

Tiếp đến, thị trường xuất khẩu gạo mặc dù có khởi sắc do nhu cầu tại các thị trường trọng điểm như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc và châu Phi tăng, nhưng nguồn cung theo chủng loại ít và giá thu mua trong nước cao hơn giá thành xuất khẩu, trong khi sản lượng gạo dự trữ không còn nhiều đã gây khó khăn cho công tác điều hành sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, số lượng đơn hàng giày da, may mặc có xu hướng giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và dự báo lĩnh vực ngành hàng này khó duy trì tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2023.

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh nhấn mạnh, để đạt kim ngạch xuất khẩu 860 triệu USD, năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về lao động, nguồn nguyên liệu...; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường để thay thế những thị trường đang suy giảm đơn hàng, phục hồi và củng cố thị trường truyền thống.

Mặt khác, ngành chức năng tỉnh tiếp tục phổ biến các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế quan từ các hiệp định FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngành chức năng kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin về các biến động, xu hướng thị trường xuất khẩu, đánh giá về cơ hội, thách thức để giúp các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động thích ứng với diễn biến của thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục