Mật ong xuất khẩu sang EU bắt buộc phải ghi nhãn xuất xứ

11:31' - 08/02/2024
BNEWS Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, cuối tháng 1/2024 vừa qua, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đạt được một thỏa thuận nhằm xem xét và củng cố các tiêu chuẩn tiếp thị hiện có áp dụng cho mật ong, nước ép trái cây, mứt và sữa.

 

Chỉ thị được gọi là Breakfast Directives - đặt ra quy tắc chung về thành phần, tên bán, ghi nhãn và cách trình bày các sản phẩm này để đảm bảo sản phẩm được di chuyển tự do trong thị trường EU và giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, chỉ thị sửa đổi được các nhà đồng lập pháp nhất trí sẽ đưa ra những thay đổi như ghi nhãn xuất xứ bắt buộc đối với mật ong, các quốc gia xuất xứ trong mật ong hỗn hợp sẽ phải xuất hiện trên nhãn theo thứ tự giảm dần với tỷ lệ phần trăm của mỗi nguồn gốc.

Các Quốc gia thành viên sẽ có sự linh hoạt để yêu cầu tỷ lệ phần trăm cho bốn thị phần lớn nhất khi chiếm hơn 50% trong hỗn hợp. Đối với mỗi gói dưới 30g, tên nước xuất xứ sẽ được viết tắt bằng 2 ký tự ISO.

Ủy ban được các nhà đồng lập pháp trao quyền đưa ra phương pháp phân tích hài hòa để phát hiện mật ong bị pha trộn với đường. Đây là một phương pháp thống nhất để truy tìm nguồn gốc của mật ong và các tiêu chí để đảm bảo rằng mật ong không bị làm giả khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. EU cũng thành lập một nhóm làm việc để chống làm giả mật ong và gian lận thương mại.

Liên quan đến nước trái cây, để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với nước trái cây ít bổ sung đường sẽ có ba loại sản phẩm mới. Cụ thể, nước ép trái cây ít đường, nước ép trái cây ít đường làm từ nước cô đặc và nước ép trái cây ít đường được cô đặc. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể chọn nước trái cây có lượng đường ít hơn ít nhất 30%.

Nước ép trái cây có thể ghi trên nhãn rằng "nước ép trái cây chỉ chứa đường tự nhiên" để làm rõ sự khác biệt với với mật hoa trái cây, nước ép trái cây theo định nghĩa không thể chứa đường bổ sung - một đặc điểm mà hầu hết người tiêu dùng không nhận biết được.

Hàm lượng trái cây bắt buộc cao hơn trong mứt cụ thể là việc tăng hàm lượng trái cây tối thiểu trong mứt (từ 350 lên 450 gam/kg) và trong mứt bổ sung (từ 450 lên 500 gam/kg) sẽ cải thiện chất lượng tối thiểu và giảm hàm lượng đường trong mứt cho người tiêu dùng EU.

Các quốc gia thành viên sẽ được phép dùng thuật ngữ marmalade là từ đồng nghĩa với mứt, có tính đến tên thường được sử dụng tại địa phương cho các sản phẩm này. Thuật ngữ "marmalade" trước đây chỉ được sử dụng cho mứt cam quýt.

Cùng đó, việc ghi nhãn đơn giản cho sữa gồm sự phân biệt giữa sữa "khử nước- evaporated" và "cô đặc - condensed" sẽ được loại bỏ, phù hợp với tiêu chuẩn Codex Alimentarius. Sữa khử nước không chứa Lactose cũng sẽ được cấp phép. Các nhà đồng lập pháp cũng giao nhiệm vụ cho Ủy ban đánh giá, trong vòng ba năm tới, cách thức thông báo cho người tiêu dùng về nguồn gốc của các loại trái cây được sử dụng trong sản xuất nước trái cây và mứt.

Các bước tiếp theo liên quan đến công việc kỹ thuật để hoàn thiện chi tiết của chỉ thị sửa đổi sẽ được thực hiện trong những tuần tới. Thỏa thuận tạm thời này sau đó sẽ được trình lên Ủy ban đại diện của các Quốc gia Thành viên về Nông nghiệp để thông qua, sau đó là đánh giá về mặt pháp lý/ngôn ngữ trước khi các nhà đồng lập pháp chính thức thông qua và có hiệu lực.

Kể từ khi có hiệu lực 20 ngày sau khi văn bản cuối cùng được công bố, các Quốc gia Thành viên sẽ có 18 tháng để chuyển các điều khoản mới thành luật quốc gia và thêm 6 tháng trước khi nó được áp dụng trên toàn Liên minh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục