MIT: Quyền riêng tư đối mặt với nhiều rủi ro

05:30' - 04/01/2019
BNEWS Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người đang đối mặt với rủi ro cao giữa bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động tập hợp dữ liệu quy mô lớn, ẩn danh về “đường đi nước bước” của mọi người.
MIT: Quyền riêng tư đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lần đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu về “khả năng tương thích” di động của người dùng thông qua việc phân tích hai tập hợp dữ liệu quy mô lớn từ một nhà vận hành mạng di động và một hệ thống giao thông địa phương tại Singapore. 
Dữ liệu di động được phân tích bao gồm các “dấu tem thời gian” (time stamp) và các tọa độ địa lý trong hơn 485 triệu hồ sơ của hơn 2 triệu người sử dụng. Trong khi dữ liệu giao thông bao gồm hơn 70 triệu hồ sơ với các “dấu tem thời gian” về các cá nhân di chuyển tại Singapore. 
Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng dữ liệu chứa “các dấu tem về vị trí” – thông tin với tọa độ địa lý và “dấu tem thời gian” – có thể được sử dụng để dễ dàng lần theo dấu vết của mọi người khi họ sinh sống và làm việc. 
Những dữ liệu nhạy cảm này có thể được thu thập từ các hồ sơ điện thoại di động, các giao dịch thẻ tín dụng, các thẻ thông minh để sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các tài khoản truyền thông xã hội và các ứng dụng di động khác, theo nghiên cứu tại MIT công bố ngày 7/12. 
Daniel Kondor - một nhà nghiên cứu tại Nhóm Di động Thành thị Tương lai tại Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ MIT Singapore - cho biết khi làm việc với các tập hợp dữ liệu quy mô lớn có thể cho phép phát hiện ra các hiểu biết chưa từng thấy về xã hội và sự di động của loài người. 
Trong các thí nghiệm của MIT, các nhà nghiên cứu có thể ghép khoảng 17% các cá nhân trong khối lượng dữ liệu được thu thập trong một tuần, và hơn 55% cá nhân trong lượng dữ liệu được thu thập trong một tháng. Tỷ lệ chính xác tăng lên khoảng 95% với dữ liệu được tổng hợp trong hơn 11 tuần. 
Nghiên cứu cho thấy các nhà khoa học đã đạt được tỷ lệ thành công 90% với dữ liệu được thu thập trong một tuần khi họ phân tích 30-49 hồ sơ giao thông cá nhân và khoảng 1.000 hồ sơ di động của khách hàng. Các nhà nghiên cứu có thể ghép 95% dấu tích cá nhân với chưa đầy một tuần hồ sơ nếu các tập hợp dữ liệu được đối chiếu với các dấu vết GPS được điện thoại thông minh thường xuyên thu thập, theo cả cách chủ động hoặc bị động. 
Đồng tác giả nghiên cứu Carlo Ratti – giáo sư tại Khoa Nghiên cứu và Hoạch định Đô thị tại MIT - nhận định tất cả dữ liệu với “dấu tem vị trí” nhiều khả năng rất nhạy cảm; cần luôn nhận thức về các thách thức trong quá trình xử lý dữ liệu quy mô lớn, về các cá nhân, và phương pháp đúng để cung cấp các đảm bảo thích hợp nhằm bảo vệ tính riêng tư. 
Các nhà nghiên cứu hy vọng nghiên cứu này có thể làm tăng nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ đời sống riêng tư của họ, đồng thời đẩy mạnh các quy định chặt chẽ hơn về hoạt động chia sẻ dữ liệu người dùng của các công ty, cộng đồng nhà trường và các thể chế khác./.

    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục