Mở rộng không gian đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản

20:17' - 14/12/2023
BNEWS Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, kinh doanh hiệu quả, Tp. Hồ Chí Minh không ngừng cải cách thủ tục hành chính thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch.

Ngày 14/12, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh (JCCH) tổ chức Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản năm 2023 nhằm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, chia sẻ thông tin, nhu cầu hợp tác đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: Năm 2023 là năm rất khó khăn cho cả thế giới cũng như cho Nhật Bản, Việt Nam và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Nhật Bản đều nỗ lực, khắc phục khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

 

Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản được duy trì trong nhiều năm, đến nay đã trải qua 22 lần gặp gỡ, đối thoại. Bên cạnh việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cũng mong muốn được lắng nghe những góp ý, hiến kế của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm không gian mới, động lực mới, cơ hội mới để kiến tạo môi trường, khung chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai bên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo ông Phan Văn Mãi, trong bối cảnh Việt Nam - Nhật Bản vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc trao đổi, chia sẻ định hướng phát triển là một bước đi kịp thời, cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn mới. Hai bên cần tập trung đề xuất các phương án thúc đẩy hơn nữa hoạt đồng đầu tư, thương mại; thiết kế các mô hình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, tài chính, đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp này, Tp. Hồ Chí Minh cũng mong muốn doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản chia sẻ thẳng thắn, góp ý cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ, năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản với rất nhiều chương trình giao lưu, các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao. 

Việt Nam - Nhật Bản đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, thế giới dựa trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai. 

Hai nước cũng đang chuẩn bị triển khai các nội dung trong “Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản” như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, củng cố các chuỗi cung ứng bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả đôi bên.

Theo ông Ono Masuo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh và kỳ vọng đây sẽ là điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển năng động và tiên phong của Tp. Hồ Chí Minh, nơi đóng góp vai trò trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. 

Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn UBND Tp. Hồ Chí Minh có thể chia sẻ về những tác động của Nghị quyết 98/2023/QH15 đối với môi trường đầu tư của thành phố và các lĩnh vực, hình thức đầu tư mà thành phố kỳ vọng đối với các nhà doanh nghiệp Nhật Bản khi áp dụng nghị quyết này để có định hướng xúc tiến hợp tác hiệu quả.

Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh (JCCH) thông tin thêm: JCCH hiện có 1.053 thành viên và có số lượng thành viên lớn thứ 3 trong tổng số 100 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài. Trong 10 năm qua, số hội viên JCCH đã tăng gấp đôi, thể hiện sức hút của Tp. hồ Chí Minh đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong khảo sát kết quả đầu tư kinh doanh mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam sếp thứ 2 (sau Hoa Kỳ) về chỉ số tiềm năng phát triển với 90% số doanh nghiệp trả lời mong muốn hoặc có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Thông tin về định hướng, chính sách thu hút đầu tư của Tp. Hồ Chí Minh, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh hiện đang có 12.300 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 57,25 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba với 5,7 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Tp. Hồ Chí Minh.

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều là công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ, thông tin truyền thông…

Tp. Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao (913 ha) với tổng diện tích khoảng 6.000 ha. Trong định hướng thu hút đầu tư, Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên cho 4 ngành công nghiệp trọng điểm hiện tại là sản xuất hàng điện tử; hóa dược cao su nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm đồ uống; 5 ngành công nghiệp công nghệ cao gồm công nghệ sinh học, dược phẩm, tự động hoá- robotics, công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao; 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng là du lịch, tài chính - bảo hiểm – ngân hàng, thương mại điện tử, y tế và chăm sóc sức khoẻ, vận tải – logistics, công nghệ giáo dục).

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực; hướng đến trung tâm công nghệ số và công nghệ thông tin cấp khu vực và quốc tế.

Theo ông Phạm Trung Kiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến hợp tác, kinh doanh hiệu quả, Tp. Hồ Chí Minh không ngừng cải cách thủ tục hành chính thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch.

Thời gian qua, thành phố cũng tích cực rà soát, đánh giá để loại bỏ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết; sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong quá trình thực thi chính sách; đồng thời, tăng cường đối thoại cùng các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh cũng nêu các vấn đề vướng mắc trong qua trình đầu tư kinh doanh, bao gồm pháp luật lao động, thuế, hải quan và môi trường, đời sống.

Theo đó, ông Nakagawa Motohisa, Trưởng ban Môi trường kinh doanh JCCH cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc về thủ tục cấp visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài đã được Sở Lao động, Thương và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ giải quyết. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn đang vướng mắc trong thực hiện thủ tục điều chuyển công tác nội bộ và quy định tham gia bảo hiểm xã hội với lao động người nước ngoài.

Trong khi đó, ông Ikeda Shigeyuki, Trưởng Ban Môi trường đời sống JCCH nêu vấn đề, môi trường sống cũng là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Tp. Hồ Chí Minh cần có giải pháp cải thiện tình trạng xếp hàng "rồng rắn" làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Khuyến nghị các cơ quan chức năng phân chia luồng riêng cho người có hộ chiếu Việt Nam và luồng cho người nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục xuất nhập cảnh. Song song đó, cần tăng cường lắp đặt và sử dụng cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi. Một số vấn đề khác như vệ sinh môi trường, chất lượng không khí hay an toàn giao thông tại thành phố cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập và mong muốn cải thiện tốt hơn.

Tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh và một số đơn vị chức năng đã giải đáp, hướng dẫn thủ tục theo đúng quy định hiện hành.

Liên quan đến môi trường sống tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức độ an toàn giao thông…đều là những vấn đề mà thành phố đặc biệt quan tâm. Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có đề án phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân ở một số khu vực, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu, năng lượng xanh; nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân thành phố và cả nhà đầu tư nước ngoài đến sinh sống, làm việc.

 Với một số vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành phụ trách tổng hợp để đề xuất, kiến nghị lên cấp trên có hướng tháo gỡ sớm nhất, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thành phố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục