Mở rộng nghiên cứu ứng dụng Chương trình phát triển ngành Công nghiệp vi cơ điện tử

18:23' - 23/09/2020
BNEWS Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh (SHTP Labs) đã tổng kết Chương trình phát triển ngành Công nghiệp MEMS (vi cơ điện tử) giai đoạn 2017 - 2020.

Ngày 23/9, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh (SHTP Labs) đã tổng kết Chương trình phát triển ngành Công nghiệp MEMS (vi cơ điện tử) giai đoạn 2017 - 2020 và lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng dự thảo Chương trình phát triển MEMS giai đoạn 2020 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo SHTP Labs, giai đoạn 2017-2020, ngành công nghiệp MEMS của Tp Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành quả tích cực. Điển hình là Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước”, đã hoàn thiện công nghệ chế tạo cảm biến áp suất, khảo sát và đưa ra lựa chọn thích hợp cho các quy trình công nghệ chế tạo. Dự án chế tạo thành công 100 cảm biến áp suất, ứng dụng vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo ngập tại 15 trạm ngập của Thành phố.

Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs cho biết, sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với thiết bị mua của nước ngoài. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống sẽ tự đo mực nước và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.

SHTP Labs còn triển khai các đề tài Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT ứng dụng thí điểm quan trắc chất lượng không khí tại Khu Công nghệ cao; Dự án “Nghiên cứu mô phỏng, thiết kế và chế tạo thử nghiệm cấu trúc MEMS StrainGauge” hướng tới ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống quan trắc sức khỏe cầu đường, đã chế tạo và đóng gói được 20 cảm biến MEMS StrainGauge...

Chương trình đã đào tạo được 73 học viên về công nghệ đóng gói linh kiện MEMS; chuyển giao một số quy trình chế tạo linh kiện MEMS tại phòng sạch; công nghệ polymer MEMS...

Ông Nguyễn Minh Giám, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, Đài sử dụng hàng trăm ngàn hệ thống thiết bị phục vụ ngành Khí tượng thủy văn, môi trường cho khu vực Nam Bộ. Đây là những thiết bị hoàn toàn phải nhập khẩu. Hiện Đài đã thử nghiệm sản phẩm cảm biến áp suất đo mực nước thủy triều do SHTP Labs chế tạo cho thấy chạy ổn định, hoạt động tốt, độ chính xác cao.

Ông Nguyễn Minh Giám mong muốn Chương trình tiếp tục nghiên cứu thêm những cảm biến khác phục vụ ngành Khí tượng thủy văn, môi trường để Đài có thể tiếp nhận sử dụng, nhằm thay thế dần những thiết bị nhập khẩu. 

Về đề xuất trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ Thành phố đề xuất, Chương trình cần nhanh chóng đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn ở các lĩnh vực như cảnh báo thiên tai, y sinh, cầu đường, nông nghiệp... Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác để tìm kiếm, kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục